Tuesday, March 3, 2009
TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ CHẾT THEO THÀNH.
Các bạn thân của tôi thường nhắc tôi viết về Tướng Lê Nguyên Vỹ, Cựu Tư Lệnh
Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Mọi người Việt Nam đều biết Tướng Vỹ đã tự sát để đền nợ
nước tại Bộ Tư Lệnh SĐ5BB ở Lai Khê Bến Cát, tỉnh Bình Dương vào ngày 30
tháng 4 năm 1975. Nhưng các bạn tôi cho rằng đến bây giờ mọi người chắc chỉ
biết về hành động anh hùng của Tướng Vỹ và mọi người rất cần biết thêm nữa về
ông. Sở dĩ các bạn tôi quay sang đề nghị tôi viết về ông bởi vì họ biết tôi là người
làm việc với ông từ khi mới ra trường Đà Lạt, từ là một Trung đội trưởng của
Trung đoàn 8 BB mà Trung tá Lê Nguyên Vỹ là Trung đoàn trưởng, rồi lên dần đến
Tiểu đoàn Trưởng của SĐ5BB và Đại tá Lê Nguyên Vỹ là Tư Lệnh Phó, cuối cùng
là Tư Lệnh SĐ5BB.
Nói như vậy, tôi chắc chắn chỉ có thể viết một phần nào về con người làm việc của
Tướng Vỹ qua những lần tiếp xúc với ông, nhận lệnh và thi hành lệnh của ông,
còn cuộc đời riêng tư của ông tôi hoàn toàn không biết gì cả. Tuy thế viết đến
những dòng chữ này, tôi cảm thấy rất hãnh diện vì đã có thời gian thật dài làm
việc dưới quyền Tướng Vỹ và tri ơn ông, bởi ông là người giới thiệu tôi đi làm
Quận Trưởng Quận Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương. Hơn thế nữa ông lại thường
hãnh diện xác nhận với nhiều người trước đây rằng chính ông là người từng chỉ
huy tôi từ lúc tôi mới ra trường, làm Trung đội trưởng của Trung đoàn 8BB, mỗi
khi ông có dịp nói một điều gì về tôi. Tôi không hãnh diện sao được khi tôi được
phục vụ dưới quyền của một vị Tướng Anh Hùng, của một Trần Bình Trọng, của
một Nguyễn Tri Phương bất khuất trước quân thù, lấy thân mình để đền nợ nước!
VÀI NÉT ĐÁNG GHI NHẬN TỪ TƯỚNG VỸ
Tướng Vỹ là người trực và nóng tính, hăng say làm việc và học hỏi. Ngoài Việt
Cộng là kẻ thù không đội trời chung với Tướng Vỹ, về phía Quốc Gia chắc cũng
có một số người không thích ông, có thể cả ngay bây giờ là lúc tôi đang viết về
ông đây. Tuy nhiên đây cũng phản ảnh được ý ông là nặng thà để người ta ghét,
nhưng ông không bao giờ muốn người ta khinh ông.
Tướng Vỹ nói giỏi hai ngoại ngữ Pháp và Anh văn, sau này ông học thêm chữ
Trung Hoa, nhưng ông chỉ biết đọc, viết mà không nói được. Ông học theo lối học
chữ Nho của các cụ ta hồi xưa. Ông kể lại cho tôi nghe, khi được Quân Đoàn 3
cho qua Đài Loan du lịch, mỗi khi vào tiệm ăn ông phải viết lên giấy các món ăn.
Ông có công đầu trong trận An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972, chính tay ông đầu
tiên đã dùng súng M72 bắn chặn đứng được chiến xa của VC tấn công vào An
Lộc, kích động lại tinh thần chiến đấu của các đơn vị tham chiến VNCH lúc bấy
giờ. Trước khi Tổng Thống Thiệu lên An Lộc, Tướng Vỹ được trực thăng bốc về
Lai Khê để được thưởng “du ngoạn Đài Loan”. Còn việc lên lon, gắn Bảo Quốc
Huân Chương hoặc các huy chương khác phải nhường lại cho những người
khác. Nghe nói Tướng Vỹ không được gặp Tổng Thống Thiệu vì ông không nằm
trong “BĂNG” lúc bấy giờ. Trước khi được trực thăng bốc về Lai Khê, Tướng Vỹ
có ghé thăm chỗ đóng quân của tôi, tôi có con gà làm cơm mời ông ăn cơm trưa.
Cũng vì bữa cơm tiễn chân ông mà tôi bị người ta gán cho là thuộc “BĂNG” Đại
Tá Vỹ lúc bấy giờ. Tuy nói ông là người trực và nóng tính, nhưng sau vụ khen
thưởng bất công của Tông Thống Thiệu tại An Lộc, ông không hề bày tỏ ý kiến
bất mãn hoặc chê bai ai cả, ông coi như không có gì xảy ra. Ông lại tỏ ra rất vui và
hãnh diện khi có người vẽ tặng ông một bức tranh mô tả ông đang dùng súng
M72 ngắm bắn chiến xa VC tại mặt trận An Lộc.
Ông dùng nhiều thời giờ vào việc nghiên cứu các trận đánh hoặc học chữ Nho.
Tướng Vỹ thường khuyên tôi cần phải ghi danh học Đại học để có bằng cấp, sau
này nếu tôi có làm lớn không bị chê là võ biền. Tôi theo lời khuyên của ông nên
bắt đầu trở lại học college vào tuổi 50 ở đất Mỹ này, thời gian trong tù VC tôi cũng
dấu sách học tiếng Trung Hoa để đọc được chữ Tàu, nhưng tôi cũng giống ông
làm “Tàu câm”, vì tôi cũng không học nói tiếng Trung Hoa.
Tướng Vỹ rất thích người nào thực sự làm việc, còn người nào hay báo cáo láo,
thoạt đầu ông có thể tin, nhưng nếu sau ông khám phá ra là bá cáo giả thì người
báo cáo rất khó làm việc với ông. Bởi trong buổi họp nào những người lười biếng
hay báo cáo láo thường được ông đưa ra làm ví dụ để răn đe những người khác.
Tướng Vỹ có trí nhớ rất dai, nhất là những lệnh ông đã ban ra, ông luôn theo dõi
việc thi hành lệnh ra sao của thuộc cấp. Trước khi ông đề cử tôi đi làm Quận
trưởng Phú Giáo, ông đã bí mật gọi những người tôi cho về phục vụ ở trại gia
binh Trung đoàn 8. Tôi còn nhớ khi ông còn làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn
8BB, Đại tá Vỹ đã có văn thư gửi cho các Đại đội của Trung đoàn, chọn 3 hoặc 4
người lính tốt, đã từng bị thương ở chiến trận được ưu tiên về phục vụ tại trại gia
binh của Trung đoàn ở Bình Dương. Tôi được những người lính mà tôi đã cho về
phục trại gia binh (theo lệnh của Tướng Vỹ) khoảng 7 năm trước đó, nói lại rằng
đích thân tướng Vỹ gọi từng người vào đập bàn, đập ghế để cướp tinh thần họ và
hỏi xem những người này đã phải nộp cho Thiếu tá Hải (lúc đó tôi là Trung úy Hải,
ĐĐT Đại đội 5/TĐ2/8) bao nhiêu tiền để được về phục vụ tại trại gia binh? Giả thử
tôi đã không đứng đắn trong việc thi hành lệnh của ông cách đó 7 năm, thì bao
nhiêu cố gắng trước của tôi cũng coi như đổ biển hết. Khi đụng trận, ông thường
xuyên mở máy theo dõi tới cấp Trung đội, Đại đội để xem chúng tôi điều động
quân như thế nào. Làm việc dưới quyền ông, các đơn vị phải luôn sẵn sàng ở vị
trí chiến đấu, mọi bất cẩn gây thiệt hại cho binh sĩ, đơn vị đều không được chấp
nhận. Khi thăng thưởng cho thuộc cấp Tướng Vỹ cũng làm hết lòng ông và nhất
là không đòi hỏi một điều kiện gì, tiền bạc hoặc quà cáp chẳng hạn. Với ông muốn
lên lon, lên chức nhanh thì điều kiện duy nhất là phải làm việc giỏi và đánh giặc
giỏi.
Tướng Vỹ là cấp chỉ huy về chiến thuật rất giỏi ông thường nghĩ cách đánh lừa
địch dễ như chơi. Kế hoạch rút quân khỏi Bình Long của ông đã chứng tỏ ông có
khả năng vẹn toàn chỉ huy từ tấn công đến lui binh. Sau cuộc rút quân đầy máu và
nước mắt tại Đại lộ KINH HOÀNG của Quân khu 2, nhiều người lầm tưởng rằng
các cấp chỉ huy chiến thuật của Quân Lực VNCH chỉ biết chỉ huy tấn công mà
không biết rút quân. Cuộc rút quân khỏi Bình Long của Tướng Vỹ là câu trả lời
đích đáng cho những lời nhận xét sai lầm trên. Theo lệnh của Tướng Vỹ, cuộc rút
quân khỏi Bình Long đã được giữ bí mật cho đến lúc hoàn tất. Sự liên lạc của các
đơn vị qua máy truyền tin được đặc biệt giới hạn, mã hóa. Trong khi rút quân, trực
thăng vẫn ồ-ạt chuyên chở những khẩu súng pháo binh và đạn dược vào Bình
Long. Những ổ quan sát của VC quanh Bình Long chắc chắn đã thông tin cho cấp
chỉ huy của chúng là Bình Long đang được tăng viện quân và vũ khí, đạn dược,
cho đến khi VC biết được sự thật Bình Long đã bị bỏ trống thì đã muộn. Bởi vì
những khẩu pháo binh trực thăng vận vào Bình Long kia toàn là súng giả làm
bằng giấy! Tôi xin kể thêm một trận đánh rất ngoạn mục ở Phú Giáo, cũng nói lên
tài đánh lừa địch của Tướng Vỹ. Khi tôi mới về làm Quận trưởng Phú Giáo được
khoảng một tháng thì VC mở một cuộc tấn công đại quy mô vào Phú giáo và Bến
Cát, tỉnh Bình Dương. Tướng Vỹ đoán biết trước được ý định của địch quân, nên
ông đã bí mật dấu 6 khẩu pháo binh trong vườn mía tại Tân Hưng, xã Tân Bình
của Phú Giáo. Khi VC mở ồ- ạt hai mũi tấn công, một vào quận Bến Cát do
SĐ18BB trách nhiệm, một vào Phú Giáo (ngay cầu sông Bé). Quận Bến Cát bị VC
tràn ngập xã An Điền, còn đơn vị giữ cầu sông Bé của tôi cũng đang hấp hối gọi
tôi xin pháo binh bắn yểm trợ ngay trên đầu họ. Các ổ pháo binh của Phú Giáo,
Bình Dương và ngay cả ở Lai Khê của SĐ5 hầu như bị tê liệt, bởi các khẩu pháo
của VC (VC bao giờ cũng nghiên cứu kỹ vị trí pháo binh của ta trước các trận
đánh) đang bắn dữ dội khóa họng các ổ pháo của ta. Trong giây phút thập tử nhất
sinh, VC đã tràn lên cầu sông Bé, Tướng Vỹ đã ra lệnh 6 khẩu pháo binh dấu tại
Tân Hưng (không nằm trong danh sách phải khóa họng của VC) đồng loạt khai
hỏa hàng ngàn quả lên đầu giặc đang xung phong lên chiếm cầu. Trận đánh này
tôi cũng phải “liều thân tranh đấu”, mặc thường phục lẫn lộn với đám dân chạy
loạn, lọt được vào cầu sông Bé để tô chức lại đơn vị Địa Phương Quân giữ cầu
đang hấp hối ở đây, mà sau đó Tướng Vỹ đã gọi máy nói đùa với tôi rằng “Tao
nghe mày xuống cầu sông Bé để sắp xếp lại đơn vị, tao sợ cho mày mà muốn đái
cả ra quần” (xin chân thành cáo lỗi với độc giả vì đã trích lời nói tục của Tướng
Vỹ,). Tướng Vỹ không thích văng tục, cọc cằn như các cấp chỉ huy khác, nhưng
ông thích nói tiếu lâm, đôi khi tiếu lâm của ông cũng hàm ý châm biếm nhẹ.
THÊM VÀI KỶ NIỆM VỚI TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ.
Tháng 7 năm 2006, tôi và bà xã cùng con gái, cháu trai ngoại tôi qua Nam Cali dự
Đại hội Võ Bị Đà Lạt K21. Nhân dịp này tôi đã được gặp một Niên Trưởng cấp
Tướng, là Trung đoàn trưởng cũ của tôi. Gặp ông ở chung một khu khách sạn,
mới đầu ông không nhận ra tôi, nhưng sau khi tự giới thiệu thì ông mới nhớ ra và
nói với mấy người bạn cùng khóa của tôi rằng “anh Hải cũng là người hùng ở trận
An Lộc đấy”. Sau khi nghe ông nói vậy, tôi thật chẳng có tí phản ứng hãnh diện gì
cả, bởi đó chỉ là câu nói xuông, “great, wonderful” của người Mỹ. Tuy không được
vui lắm với câu khen xuông của ông, nhưng tôi vẫn điềm tĩnh, xin phép ông chạy
vào phòng gọi bà xã tôi ra để chào ông cho đủ lễ nghĩa của một đàn em đối với
đàn anh. Sau vài câu giới thiệu và chào hỏi xã giao, không hiểu ngẫu hứng làm
sao, ông lại nói một câu rất là trịch thượng, câu nói của một người có quyền uy
thuở trước, chắc để lấy le với vợ tôi chăng?: “Khi còn là Tư lệnh Sư Đoàn, tôi thấy
Tiểu đoàn trưởng nào làm lâu rồi, tôi đều cho đi làm Quận trưởng”. Đến lúc này thì
tôi muốn nhịn cũng không nổi rồi, định mở miệng hỏi ông một câu cho ra lẽ.
Nhưng chợt liếc thấy vợ tôi nháy mắt ra dấu im; tôi lại đành câm miệng hến – chắc
do bản tính sợ vợ của tôi - bởi vợ tôi không muốn tôi phá vỡ cảnh gặp gỡ thân mật
này!
Đến khi vào phòng vợ tôi hỏi tôi: “lúc nãy anh muốn nói gì mà mặt mày anh đỏ
gay lên vậy?
Tôi trả lời: “anh định hỏi ông ta rằng cho đi làm Quận trưởng như vậy có phải
đóng tiền không?”
Qua đất Mỹ này từ năm 1991, tôi rất ít khi đi dự hội hè, tiệc tùng gì. Ngoài mấy kỳ đi
dự Đại hội khóa, tôi chỉ có hai lần theo chân vợ đến nhà hai người bạn học Trưng
Vương cũ của vợ tôi để ăn cơm thân mật bạn bè và tân gia. Nhưng cả hai lần mỗi
khi chủ nhà giới thiệu đến tôi và nhắc rằng trước đây tôi đã làm Quận trưởng thì
đều bị các thực khách khác cười ồ lên, có người còn muốn làm bẽ mặt tôi hơn
bằng cách đặt câu hỏi:
“Tôi hỏi thật anh Hải đi làm Quận trưởng trước đây, anh phải đóng hụi chết bao
nhiêu tiền vậy?
Đối với những câu hỏi móc lò, tôi luôn điềm tĩnh trả lời rất gọn:” Đất nước mình
trước đây thực sự có việc mua quan bán tước, nhưng cũng có những trường
hợp không phải mua, đâu phải ai cũng giống ai”.
Có vài thực khách không tin vào câu trả lời của tôi nên đã mạnh dạn kể đích danh
những người đi làm Quận trưởng phải hối lộ cho các Tỉnh Trưởng, Tư lệnh Sư
đoàn, Quân đoàn như thế nào và bao nhiêu?
Tôi còn nhớ rõ, một ngày của tháng 3 năm 1974, tôi đang dẫn tiểu đoàn hành quân
trong rừng, anh lính truyền tin Tiểu đoàn dừng lại và đưa ống nghe cho tôi để nói
chuyện với Trung đoàn trưởng, Trung tá Vuợng.
Trung tá Vượng qua máy truyền tin nói với tôi:”báo cho Hải một tin mừng là Tư
Lệnh Sư đoàn chọn Hải đi làm Quận trưởng”
Thay vì tôi phải hỏi lại ông là cho tôi đi làm Quận trưởng quận nào, tôi lại đặt điều
kiện với Trung tá Vượng rằng:”cho tôi đi làm thì tôi làm, nhưng tôi xin nói trước là
tôi không có tiền bạc đóng góp đâu nhé”
Nghe tôi nói vậy, Trung tá Vượng hét lên trong máy:” ông Tư Lệnh nếu mở tần số
này và nghe mày nói thế này, thì mày sống không nổi với ông ấy đâu”
Tôi nhấn mạnh thêm lần nữa:”tôi nói thật là tôi không có tiền đâu”
Trung tá Vượng muốn nổi điên, hét to hơn nữa trong máy:”không có tiền bạc gì
cả”. Rồi ông cúp máy không thèm nói chuyện với tôi nữa. Như vậy trong ngày
đầu tiên được đề cử đi làm Quận trưởng, tôi chưa biết mình sẽ đi coi quận nào
nữa. Vài ngày sau được trực thăng bốc về BCH Trung đoàn, lúc đó tôi mới biết tôi
được đề cử đi coi quận Phú Giáo. Trước khi lên đường đi nhận nhiệm vụ mới, tôi
còn đặt điều kiện với Trung đoàn trưởng là phải cho Đại úy Lạc khóa 22 Đà Lạt,
đàn em của tôi được thay tôi, nếu không tôi sẽ không đi làm Quận trưởng.
Đó là sự thực việc tôi được cử đi làm Quận trưởng quận Phú Giáo. Hôm nay tôi
cũng xin thành thật xin lỗi Tướng Vỹ vì đã nghi oan sự đứng đắn của ông khi đề
cử tôi đi làm Quận trưởng. Tôi nghĩ rằng hôm nay tôi xin lỗi ông chắc ông mới biết,
bởi vì Trung tá Vượng cũng thương tôi nên chẳng bao giờ tiết lộ cho ông biết về
những phản ứng vô lễ của tôi khi Trung tá Vượng thông báo tin vui cho tôi.
Tôi là người biết Tướng Vỹ mà còn nghi oan sự đứng đắn của ông, huống hồ gì
những người khác, nhất là những người không thích ông. Bởi vì ngay khi tôi về
làm Quận trưởng Phú giáo được khoảng một hoặc hai tháng thì Bộ Tổng Tham
Mưu đề cử một vị Đại tá xuống điều tra tôi ngay. Tôi gặp phái đoàn điều tra tại hậu
cứ Trung đoàn 9, Sư đoàn 5BB. Vị Đại tá điều tra đã nói với tôi rằng:
_ Có người đã viết đơn tố cáo ông Tư Lệnh Sư đoàn 5BB cho Thiếu tá Hải đi làm
Quận trưởng để làm kinh tài cho ông. Vậy Thiếu tá Hải hãy khai thật anh đã nộp
cho ông Vỹ bao nhiêu tiền để được đi làm Quận trưởng và đã kiếm được bao
nhiêu tiền cho ông Vỹ rồi.
_ Tôi đề nghị ngay với vị Đại tá điều tra:” Tôi mới về làm Quận trưởng, nếu đã
đóng tiền cho ông Vỹ chắc chắn bây giờ tôi chưa kiếm đủ vốn. Vậy tôi đề nghị Đại
tá hãy cho ngưng chức tôi để công việc điều tra của Đại tá được dễ dàng, nếu
không có thể tôi lại dùng quyền hành ngăn cản việc khai báo của những thuộc
cấp dưới quyền tôi.
Sau khi nghe tôi tự nguyện xin thôi việc, vị Đại tá lập tức hủy bỏ cuộc điều tra!
Không biết tôi có chủ quan hay không, nhưng tôi có cảm tưởng Tướng Vỹ có
khuynh hướng muốn huấn luyện tôi thành một sĩ quan hiện dịch mỗi ngày được
hoàn hảo hơn. Những lúc được rảnh rỗi qua thăm ông, ông thường bảo tôi ở lại
ăn cơm với ông, trong bữa cơm ông thường nói cách đìều quân của ông cho tôi
nghe và học hỏi, ông bắt tôi đặt câu hỏi hoặc ông hỏi tôi. Nếu tôi trả lời đúng ý
ông thì ông gật- gù rất thích thú. Ông cũng muốn những vị sĩ quan quanh ông
mến tôi, nên ông thường khen tôi trước mặt họ: “Hải là vua mìn bẫy”, ông kể cho
người khác nghe cách phục kích mìn bẫy của tôi từ khi tôi còn là Đại đội trưởng,
có tuần tổng số VC bị Đại đội 5 của tôi giết còn hơn cả tổng số Trung đoàn giết
VC. Khi về làm Quân trưởng, tôi xử dụng toán thám báo quận phục kích đặt mìn
phá hủy được 2 hoặc 3 chiếc xe vận tải chở vũ khí, tiếp liệu của VC trong mật khu
Rang-Rang, ráp danh với tỉnh Long Khánh, ông cho trực thăng đón tôi qua gặp
ông ngay sáng sớm. Trong bữa điểm tâm, ông nói với tôi:”Moa nghe toa không
muốn làm Quận trưởng nữa, nếu toa về lại Sư đoàn moa sẽ để toa làm Trung đoàn
trưởng hoặc Trung đoàn phó”. Tôi lúc bấy giờ là thằng háo danh, nghe “Trung
đoàn trưởng” thì vừa tai, nhưng nghe tới “Trung đoàn phó” thì tôi thối lui ngay.
Nhưng tôi chỉ cười, không tỏ ý muốn hay không muốn về lại Quân đội. Lúc đó tôi
nghĩ mà không nói ra rằng “thời gian làm phó của Thiếu Tướng trước kia đã mai
một tên tuổi của Thiếu Tướng, sao ông lại còn muốn tôi về Sư đoàn 5 để làm
Trung đoàn phó”. Mặc dầu tôi biết nếu tôi về làm Trung đoàn phó cho Trung tá
Vượng, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 7 thì chẳng bao lâu tôi cũng sẽ được
thay Trung tá Vượng. Trung tá Vượng theo tôi được biết đang chờ lên Đại tá vào
ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1975 để đi giữ một nhiệm vụ mới, tốt hơn. Trung tá
Vượng sống được lòng Tướng Vỹ và nhiều người khác. Trung tá Vượng cũng
muốn giao Trung đoàn cho tôi khi ông đi, nên đã nhiều lần ông hỏi ý tôi, phân tích
thiệt hơn cho tôi nghe.
Như trên tôi không về lại Sư đoàn 5 là do “tính háo danh” của tôi, ngoài ra còn
một lý do chính đáng nữa mà Tướng Vỹ và Trung tá Vượng chắc không để ý đến
đó là vào giờ phút cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, tôi thực sự không muốn
giao Quận Phú Giáo cho ai cả. Tôi biết trước sẽ có cuộc rút quân ra khỏi Phú Giáo,
nêú tôi giao lại cho một người mới đến điều động quân (gồm 3 Tiểu đoàn Địa
Phương quân, mấy chục Trung đội Nghĩa quân, Cảnh sát, Nhân dân Tự vệ…, tất
cả đều trang bị súng), chỉ một sơ suất nhỏ cũng đưa đến hỗn loạn, vô chính phủ,
không tránh khỏi những đổ vỡ tang thương, chẳng khác chi Đại lộ Kinh Hoàng
miền Trung!Lại nữa đã có những dấu hiệu nổi loạn trong các đơn vị, tôi phải ra tay
dập tắt. Tôi xin nói thêm, các Tiểu đoàn Địa Phương Quân tuy đã thành lập thành
Liên đoàn, nhưng vẫn chịu sự điều động tác chiến trực tiếp của tôi và tôi chỉ can
dự vào việc điều động tác chiến, không hề xen vào hoạt động nội bộ của các Tiểu
đoàn trong Liên đoàn ĐPQ 935. Tôi nhớ Thiếu Tướng Ân Tư Lệnh Phó Quân Khu
3, có lần thăm Phú Giáo đã ra lệnh cho tôi hãy chờ khi nào các Tiểu đoàn Địa
Phương Quân phát lương, tôi hãy xuống bất chợt kiểm soát tình trạng lính ma,
lính kiểng của các Tiểu đoàn ấy ra sao và cho ông biết. Tuy tôi dạ vâng để Thiếu
Tướng Ân vui lòng nhưng tôi đã không thi hành, bởi thi hành theo lệnh của ông
tôi sẽ đụng chạm rất nặng, chỉ từ chết đến bị thương cho tôi, nên tôi chẳng dại gì
mà húc đầu vào tường đá. Các Tiểu đoàn trưởng của Liên đoàn 935 Địa Phương
Quân tỉnh Bình Dương vẫn nhất mực tin ở tôi và tuân lệnh của tôi vào thời điểm
thập tử nhất sinh của cuộc chiến Việt Nam. (Nếu có cơ hội tôi sẽ viết một bài nói
về cuộc rút khỏi Phú Giáo của Quân và Dân Phú Giáo do tôi điều động).
Tướng Vỹ có đầu óc rất thực tế như người Mỹ vậy, dù tin ai nhưng vẫn phải kiểm
soát (đặt camera, máy nghe lén …)!Có lần tôi phải đi họp ở Tỉnh, ông đáp trực
thăng ghé ngay Quận Phú Giáo và vào chỗ ăn ngủ của tôi để kiểm soát sự sinh
hoạt hàng ngày của tôi. Tôi không hề buồn ông, bởi tôi nghĩ rằng nặng thà để ông
biết rõ mọi việc tôi làm còn hơn để ông nghi ngờ. Tôi chấp nhận như thế, nên khi
người lính trong quận báo cáo cho tôi biết Tướng Vỹ mới ghé quan sát phòng ốc
của tôi khi tôi đi họp ở Tỉnh thì tôi vẫn vui vẻ như thường. Tướng Vỹ rất ghét đóng
kịch, ai kiếm được súng ở đâu mà lập trận giả để báo cáo chiến công, giết VC, thu
vũ khí thì ông khám phá ra ngay. Tướng Vỹ rất thông hiểu thuộc cấp, hiểu rõ tính
nết của mỗi cấp chỉ huy trực thuộc. Vì Tướng Vỹ hiểu rõ về thuộc cấp nhiều quá
mà bị một số người không thích ông chăng? Có một vị Trung đoàn Trưởng của
Sư đoàn 5BB, trước ngày miền Nam mất, đến thăm và than với tôi rằng ông không
hiểu Tướng Vỹ muốn gì mà mỗi lần Tướng Vỹ xuống thăm đơn vị của ông, tướng
Vỹ luôn la rầy, giận dữ ông. Vị Trung đoàn Trưởng này (rất thân với tôi) nhờ tôi rà
xem (như rà mìn vậy) Tướng Vỹ muốn gì để ông lo. Tôi thực tình cũng chịu thua
chẳng biết Tướng Vỹ muốn gì nữa. Tiện đây tôi xin thành thực xin lỗi vị Trung
đoàn Trưởng trên vì tôi đã nói ra điều này. Tôi không muốn ám chỉ Trung tá thích
đút lót, hối lộ mà chỉ muốn nói lên nỗi buồn phiền, trách móc của Trung tá khi
Trung tá đã làm hết bổn phận rồi mà sao Tướng Vỹ vẫn không được hài lòng. Tôi
biết đến giờ này Trung tá vẫn còn giận Tướng Vỹ lắm. Thôi hãy bỏ qua chuyện cũ
đi, Trung tá! Tôi biết Trung tá rất thương tôi và tin tôi nên tôi mới dám đề nghị
Trung tá bỏ qua chuyện cũ để cùng tôi ca tụng một vị Anh Hùng của Quân Lực
VNCH, nào mấy ai có thể làm được như ông. Tôi còn nhớ mãi, hôm tôi và Trung tá
ngồi chung trong hội trường của trại tù VC ở Cát Lái (Trường Quân Khuyển cũ) –
lúc đó chỉ có tôi và Trung tá – Trung tá đã lớn tiếng và lấy tay chỉ vào mặt ảnh
thằng Hồ Chí Minh treo trên hội trường mà nguyền rủa nó thậm tệ; vì nó mà dân
tộc Việt Nam điêu linh thống khổ, không cất đầu lên được. Tôi biết Trung tá làm
vậy để cho bõ cơn giận với thằng khốn nạn Hồ Chí Minh, nhưng ít nhất Trung tá
cũng phải tin và thương tôi nên Trung tá mới dám ngang nhiên xỉ vả nó chứ. Bởi
nhỡ tôi bán đứng Trung tá bằng cách đi bá cáo cho VC, lập công với chúng thì
sao, phải không Trung tá? Tôi biết ông vẫn còn tin và thương tôi, vậy Trung tá hãy
nghe đàn em bỏ qua những chuyện cũ đi nhé!
KỶ NIỆM SAU CÙNG NHƯNG MÃI MÃI VỚI TƯỚNG VỸ.
Vào năm 1973, tôi thường có dịp gặp Tướng Lê Nguyên Vỹ, lúc bấy giờ ông còn là
Đại tá Tư Lệnh Phó Sư đoàn 21BB cho Tướng Lê Văn Hưng. Tôi được trò chuyện
hàn huyên với ông nhiều nhất vào thời gian ông bị thương nằm tại Tổng Y Viện
Cộng Hòa vì máy bay quan sát chở ông bị rớt trong khi ông đi quan sát mặt trận
tại vùng 4 chiến thuật. Một điều mà ông thường nhắc đi nhắc lại trong các lần tôi
nói chuyện với ông là “Hải ơi, coi chừng mình sẽ bị mất nước đó”. Lúc bấy giờ tôi
chỉ biết lắng nghe mà không bày tỏ một ý kiến nào. Có thể tôi chưa có khái niệm gì
về sự mất nước cũng như hậu quả của nó chăng? Cũng có thể tôi là một cấp chỉ
huy chiến thuật rất tự tin vào mình và đơn vị, nên tôi không bao giờ lại tin là Quân
Lực VNCH sẽ thua quân VC để đến nỗi phải mất nước. Nhưng dần dà tôi cũng đã
thấy được cuộc chiến VN không được quyết định bằng các trận đánh thắng của
Quân lực VNCH ngoài mặt trận và tôi cũng đã linh cảm miền Nam khó giữ được
đất đai vẹn toàn. Vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến VN, tuy biết
miền Nam sẽ thua nhưng tuyệt nhiên tôi không có một ý định nào bỏ trốn khỏi
đơn vị để kiếm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Những lời khuyên bảo của
anh chị ruột tôi, các em gái tôi, phải bỏ đơn vị về Sài Gòn để trốn khỏi VN, đều bị
tôi để ngoài tai. Tướng Vỹ ít nhất hai hoặc ba lần nói với tôi hãy tìm cách lo cho vợ
con đi an toàn, còn tôi hãy ở lại chiến đấu với đơn vị. Khoảng hơn một tuần lễ
trước khi mất nước, Tướng Vỹ cho trực thăng đón tôi qua Lai Khê để gặp ông bàn
việc. Trong khi trò chuyện ông thường nhắc đi nhắc lại là đến giờ này Tông
Thống Thiệu vẫn còn cố chấp, không chịu nghe lời ai cả. Gặp Tướng Vỹ xong, ra
đến bãi đậu trực thăng, hai sĩ quan lái trực thăng cho Tướng Vỹ nói với tôi rằng tôi
hãy cố thuyết phục Tướng Vỹ để cho họ chở Tướng Vỹ và tôi ra Đệ Thất Hạm Đội.
Hai vị Sĩ quan không quân còn nhấn mạnh rằng mọi người đang lo chạy trốn cả
rồi Tướng Vỹ và tôi còn đánh làm gì nữa. Tôi chỉ gật-gù cảm ơn lòng tốt của họ và
không nói thêm gì cả. Hai vị Sĩ quan này chắc nghĩ tôi thân với Tướng Vỹ, nên tôi
có thể thuyết phục được ông, nhưng tôi lại nghĩ rằng tôi đã không muốn bỏ chạy
thì tôi dại gì lại đi thuyết phục người khác hãy bỏ chạy để bỏ tôi ở lại một mình.
Hơn nữa tôi cũng biết Tướng Vỹ đã quyết định đánh đến cùng rồi. Về đến quận,
vừa ngả lưng nghỉ mệt, người lính gác cổng chạy vào báo cô Quý, em gái ruột tôi
từ Sài Gòn lên muốn vào gặp tôi. Tôi căn dặn người lính gác ra nói dối với em tôi
rằng tôi đi họp chưa về. Tôi đoán biết Mẹ tôi cho cô em tôi lên thúc tôi bỏ quận để
về Sài Gòn lo việc chạy trốn khỏi Việt Nam.
Tuy tôi đã quyết định ở lại chiến đấu cùng đơn vị, nhưng tôi nghĩ rằng tôi cũng
cần phải lo cho vợ con tôi, nên ngày 27 tháng 4 năm 1975 tôi quyết định về Sài
Gòn thăm gia đình như lời khuyên của Tướng Vỹ trước đây.Thực sự buổi về Sài
Gòn này tôi đã chỉ dám ghé nhà bố mẹ vợ tôi tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để
khuyên vợ tôi hãy mang hai con tôi bám theo mẹ, anh và các em gái tôi mà chạy
khỏi VN. Tôi trở về Phú Giáo ngay trưa hôm 27 tháng 4, không dám ghé đường Lê
Văn Duyệt gặp mẹ, bởi tôi biết mẹ tôi sẽ bất cứ giá nào giữ tôi ở lại Sài Gòn để
cùng gia đình chạy trốn. Tôi đã tự lựa chọn con đường cho tôi đi, mặc dù tôi biết
con đường này không có lối thoát! Nhưng tôi không thể bỏ trốn mọi người quân
cũng như dân Phú Giáo, mọi người đang trông chờ sự dẫn dắt khéo léo của tôi để
may ra được thoát chết trong giờ phút tuyệt vọng của cuộc chiến.
Sáng 30 tháng 4 năm 1975, tôi hoàn toàn mất liên lạc với tỉnh Bình Dương! Tôi nói
với Thiếu tá Hùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306 Địa Phương Quân hãy cố gắng
đánh mở đường đưa tôi về tỉnh, vì tôi đã mất liên lạc với Đại tá Của, Tỉnh trưởng
Bình Dương. Khoảng nửa giờ sau đó, Thiếu tá Hùng cho tôi biết phía trước
đường tiến quân có một cái chốt cấp Đại đội của VC chặn đường. Tôi nhất quyết
ra lệnh cho Thiếu tá Hùng phải vượt qua chốt VC. Thiếu tá Hùng đã phải vượt lên
tuyến đầu để chỉ huy đánh chốt VC. Chừng nửa giờ quyết chiến, Thiếu tá Hùng
báo cáo Tiểu đoàn tràn ngập chốt của VC. Tôi liền ra lệnh toàn thể các đơn vị kéo
quân về hướng Hòa Lợi 2 và tiến về Bình Dương. Khốn nỗi thay! Đồng thời lúc đó
một anh lính đưa cho tôi nghe lệnh đầu hàng qua một radio nhỏ cầm tay của Tổng
Thống Dương Văn Minh và Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Hạnh, tự xưng là Tổng
Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Tôi bàng hoàng, nước mắt ràn-rụa, nói với
mấy người lính đứng bên cạnh:”thôi chúng mình mất nước rồi”! Tôi còn nhớ hôm
bố tôi chết vào dịp Tết Mậu Thân 1968, khi VC đánh vào tỉnh Phan Thiết, tôi cũng
không khóc nhiều như thế. Nước mắt ở đâu cứ ràn -rụa đổ ra! Nhưng chỉ ít phút
sau tôi lấy lại được bình tĩnh và đang đự định lấy tần số liên lạc với Bộ Tư Lệnh
Sư đoàn 5, thì Trung tá Vượng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 kéo bộ chỉ huy
đến và bảo tôi cùng kéo quân về Lai Khê gặp Tướng Vỹ để nhận lệnh.
Đến hàng rào căn cứ Lai Khê, Trung tá Vượng và tôi phải cố gắng thuyết phục
những người lính gác ở đây mới lọt được vào cổng của căn cứ, vì đã có lệnh “nội
bất xuất, ngoại bất nhập” của Tướng Tư Lệnh Sư đoàn 5.
Vừa bước vào phòng họp, tôi thấy hầu hết các sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Sư
đoàn 5 đang đứng, ngồi quanh Tướng Vỹ, nào Đại tá Tường Phụ tá Hành Quân,
Pháo binh, các sĩ quan tham mưu, tôi không thấy Đại tá Thoàn Tư Lệnh Phó và
Đại tá Từ Vấn Tham mưu Trưởng Sư đoàn. Tướng Vỹ ngồi ngay giữa một chiếc
bàn nhỏ, trên bàn là bát canh măng khô nấu với vịt, bên cạnh là chén nước mắm
ớt. Sau khi tôi và Trung tá Vượng chào ông theo đúng quân cách, Tướng Vỹ nói:
_ Vượng, Hải vào ăn cơm luôn thể - Giọng nói của ông vẫn khàn khàn, bình thản
như mọi khi.
Tuy không nói ra nhưng tôi thấy ngán-ngẫm và nghĩ trong đầu:”Trời ơi! Giờ này
còn ăn uống gì nữa”
Sau khi mời chúng tôi xong, Tướng Vỹ tự cầm chén lên xới cơm, chan canh măng
vịt và ăn rất nhanh như người bị đói đã lâu. Vừa ăn ông vừa nói:”món măng khô
nấu vịt là món moa thích nhất”. Ăn đúng ba chén cơm đầy ông mới buông đũa. Tôi
cũng cầm chén ăn cơm, nhưng không sao nhai nổi lưng chén cơm. Tướng Vỹ,
sau khi uống ngụm nước cho trôi cơm, ông đứng phắt dậy và vẫy tôi ra một chỗ
để nói riêng. Nhưng tôi hỏi ông trước:
_ Thiếu tướng có lệnh gì cho tôi không?
Ông đáp rất gọn:”Moa lo cho moa, toa lo cho toa”
Tôi chưng hửng đáp:”Tôi biết lo làm sao bây giờ, Thiếu tướng. Lính của tôi đã bố
trí sát hàng rào Lai Khê rồi” - Khoảng hơn một tháng trước 30 tháng 4 năm 1975,
Tướng Vỹ có dặn tôi hãy chuẩn bị một số người lính trung thành để đưa ông và
tôi đi. Tôi đoán biết sẽ đi Vùng 4 Chiến Thuật để tiếp tục chiến đấu, vì ở đó có
Tướng Hưng, Tướng Nam là những người Tướng Vỹ có thể tin tưởng được
(Tướng Vỹ đã đã nhận định không sai chút nào, vì hai Tướng Hưng, Nam cũng
đều là những Tướng Anh Hùng, vị quốc vong thân!).
Tướng Vỹ mỉm cười nhìn chằm-chặp vào tôi, nhắc lại y như trên một lần nữa và
thêm:”Coi chừng tiêu đó Hải”. Nói xong ông quay lưng bỏ đi ngay.
Câu trả lời của Tướng Vỹ đã làm tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi có cảm giác bị bỏ rơi
và nghĩ rằng:”hay Tướng Vỹ đã có trực thăng sẵn sàng bốc ông rồi!”. (Tôi lại nghi
oan cho ông lần nữa)
Không đầy một phút sau, tôi giật mình vì nghe có tiếng súng nổ. Tôi thấy Đại uý
Nguyên tùy viên của Tướng Vỹ chạy ra nói lớn như khóc:”Tướng Vỹ đã tự sát
rồi!”
Tôi trách Đại úy Nguyên:”Sao anh không tìm cách dấu súng của ông Tướng
trước đi”
Đại úy Nguyên trả lời:”Tôi biết ông có 6 khẩu súng cả thảy, tôi đã dấu hết, khẩu
ông dùng để tự sát, tôi không biết ông lấy ở đâu”
Viên đạn súng colt đã xuyên từ cổ lên đầu Tướng Vỹ làm ông ra đi ngay. Tôi và
Trung tá Vượng đã vào chào ông lần cuối. Cả hai chúng tôi sau đó đã bị VC bắt
giữ và đi tù ngay cùng chiều hôm 30 tháng 4 năm 1975. Sau này tôi có nghe nhiều
người nói rằng khi tên chỉ huy VC vào căn cứ Lai Khê thấy Tướng Vỹ tự sát đã tỏ
lòng khâm phục và nói:”Làm Tướng chết theo thành như Tướng Vỹ mới xứng
đáng làm Tướng”.
Tướng Vỹ đã tự sát đền nợ nước đúng ngày 19 tháng 3 năm Ất Mão (Âm Lịch), tức
ngày 30 tháng 4 năm 1975 (Dương Lịch). Khi còn ở Việt Nam, dù còn ở trong nhà
tù VC tôi đều tìm cách giỗ ông vào ngày 19 tháng 3 âm lịch mỗi năm. Nhưng khi
qua đất Mỹ này rồi tôi sợ quên, nên tôi đổi ngày giỗ ông vào ngày 30 tháng 4
Dương Lịch mỗi năm. Sau đây là một bài thơ tôi đã làm để kỷ niệm những ngày tôi
làm giỗ Tướng Lê Nguyên Vỹ:
MĂNG KHÔ NẤU VỊT.
Măng khô nấu vịt Bác không rời,
Lời Bác, lòng tôi luôn nhắc tôi.
Ngày cuối tháng tư, tôi giỗ Bác,
Lịch đầu năm mão, Bác chầu Trời.
Tôi vui như lúc tôi còn Bác,
Bác chết là khi Bác sống đời.
Đốt nén hương thơm tôi khấn Bác,
Măng khô nấu vịt, Bác về xơi.
Cuộc đời của tôi và biết bao các chiến hữu khác kể từ 30 tháng 4 đen, 1975 trở đi
đã bước vào một khúc quanh mới của lịch sử Việt Nam, trong đó chúng tôi phải
gánh chịu mọi gian nan, đọa đày, chết chóc trong bệnh tật, đói khát và hắt hủi của
những tên lính bị tức tưởi thất trận mà có kể ra cho ai nghe đã mấy người tin rằng
thật. Bởi có nhiều người đã mơ tưởng rằng sau khi im tiếng súng vào 30 tháng 4
năm 1975, hai miền Nam Bắc sẽ nhận ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã kéo
dài trong bao nhiêu năm chính là do các thế lực bên ngoài cố ý tạo ra cho dân
Việt, để rồi anh em ôm nhau mà khóc trên cầu Bến Hải vĩ tuyến 17, cùng tha thứ
cho nhau những nhầm lẫn đáng tiếc trong quá khứ và cùng nhau đoàn kết xây
dựng lại quê hương Việt Nam đã đổ và rách nát vì bom đạn, vì những thứ chủ
nghĩa ngoại lai, những mớ lý thuyết và giáo điều lỗi thời, không tưởng. Trái hẳn
với các mơ ước viển vông trên của các sư, cha, những chính khách xôi thịt, thiển
cận, vì rằng sau màn chém giết là đến những màn trả thù độc ác và có hệ thống
khác, cũng đầy dẫy những xác người, ràn-rụa nước mắt gây ra do đói khát, cướp
bóc, tố khổ và phân ly. Hai cây cùng trồng nhưng mọc không đều, một cây mọc
thật nhanh cao hơn hẳn cây bên cạnh mọc quá chậm; bây giờ muốn cho hai cây
cao ngang bằng nhau, thay vì phải dùng phân bón, vun xới cho cây mọc châm
được mọc nhanh hơn, VC đã dùng một phương pháp thật là “cách mạng” để giải
quyết vấn đề, đó là dùng dao chặt đứt phần ngọn của cây mọc nhanh cho ngang
bằng với cây mọc chậm. Kế hoạch bất chợt đổi tiền xảy ra sau ngày 30 tháng 4
năm 1975 của VC, trong đó mỗi người dân chỉ đưọc phép đổi lấy một số tiền mới
nhất định từ những đồng tiền cũ, chính là phương pháp san bằng tài sản rất độc
đáo giữa người giàu và người nghèo của VC, y hệt phương pháp chặt cây vừa
trình bày ở trên. Mọi người trong xã hội như thế chắc chắn sẽ được nghèo như
nhau!
Sau 33 năm, ngày Tướng Vỹ chết theo thành niềm đau mất nước vẫn còn trong
tâm khảm những người Việt Quốc Gia thật sự yêu quê hương xứ sở, dân Việt vẫn
còn phải sống trong đói rách lầm than, chưa bao giờ được thở hít không khí tự
do, bởi ách Thực dân, Đế quốc tuy đã được gỡ bỏ, nhưng ách Cộng sản lại đã
được tròng vào cổ dân Việt, nặng nề gấp ngàn lần. Lòng chúng ta vẫn còn đau, vì
chúng ta đã thua đau, cái thua không đáng thua chút nào. Một miền Nam của trí
tuệ, trù phú lại chịu thua bọn người rừng rú, khố rách áo ôm, ngu si, dối trá. Có
người bảo rằng miền Nam thua vì người Mỹ đã bỏ chúng ta. Không đúng hẳn như
vậy! Mà phải nói rằng người Mỹ bỏ chúng ta vì chúng ta quá yếu, không bỏ không
được. Quân đội là nguồn sức mạnh chính của đất nước sẵn sàng tiêu diệt quân
xâm lăng, do vậy quân đội phải được giao phó cho những người có thực tài, can
đảm, đạo đức và hết lòng với đất nước. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nếu
các Tư Lệnh Sư đoàn của Quân Lực VNCH đều là Tướng Lê Nguyên Vỹ thì chúng
ta không mất nước. Tôi không nịnh nọt Tướng Vỹ và nói ngoa đâu. Chúng ta cứ
đọc lại trang sử Việt đời nhà Trần xem tôi nói có đúng hay không?! Nhà Trần đã
chiến thắng oanh liệt đoàn quân Nguyên bách chiến bách thắng xưa kia, vì đã quy
tụ được những tinh hoa của đất nước: nào Trần Thủ Độ, “đầu tôi chưa rơi xuống
đất xin Bệ Hạ đừng lo”, nào Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn, thao lược mưu trí,
Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần quốc Toản, Trần Nhật Duật…hết lòng vì
đại sự. Một khi quân đội đã hùng mạnh do các tướng có tài đức chỉ huy như thế,
thì hội nghị Diên Hồng của toàn dân hưởng ứng, hỗ trợ cho quân đội chiến thắng
quân xâm lăng ắt sẽ được mở rộng và đồng tâm, nhất trí. Nhà Trần đã chiến thắng
vẻ vang quân Mông Cổ không hề dựa vào một sức mạnh quân sự nào của ngoại
bang, chỉ dựa vào sức mình là quân đội do các tướng có tài đức chỉ huy và sự
ủng hộ của toàn dân. Miền Nam chúng ta đã không quy tụ được các tướng có tài
đức cho quân đội, do đó chúng ta cũng không tạo được khí thế Diên Hồng trong
toàn dân, vì dân đã không tin vào quân đội. Những điều tôi vừa trình bày ở trên có
thể không làm hài lòng các vị niên trưởng bậc thày của tôi trong quân đội, nhưng
tôi vẫn mạnh dạn nói lên quan điểm của tôi, cũng rất có thể là của nhiều người
khác nữa, đã được chứng minh từ những kinh nghiệm đấu tranh của lịch sử Việt
Nam trong công cuộc bảo vệ giang sơn Tổ quốc.
Tôi viết đến cuối bài “Tướng Vỹ Chết Theo Thành” vào đúng cuối tháng 3, chuẩn
bị bước vào tháng 4 đen mỗi năm mà mọi người Việt ở hải ngoại không ai không
nhớ đến. Riêng tôi cũng đã sẵn sàng hương đèn để tưởng nhớ đến Tướng Vỹ.
Tôi không những làm giỗ ông vào ngày 30 tháng 4, hàng năm vào dịp Tết Nguyên
Đán tôi luôn mời ông về chung vui Tết với Tổ Tiên, Ông Bà và Cha Mẹ tôi. Thực
lòng tôi đã xem ông như người thân trong gia đình tôi vậy. Ông là biểu tượng của
Anh Hùng Bất Khuất mà tôi luôn ngưỡng mộ và tin tưởng. Tôi thành tâm xin thưa
với ông rằng sau tháng tư đen, 1975 mặc dù tôi đã đánh mất tất cả, nhưng tôi đã
không đánh mất tôi, tôi vẫn còn giữ lại được một chút gì gọi là liêm sỉ để trong lời
nói cũng như việc làm, tôi không khi nào nói hoặc làm có lợi cho Cộng sản, kẻ thù
không đội trời chung của ông, của tôi và của toàn dân Việt yêu chuộng Tự do.
NGUYỄN VĂN HẢI, M.A
Cựu SVSQ/K21 Trường VBQGVN
Cựu Thiếu tá Quận Trưởng Quận Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương (VNCH)
Kính dâng Anh Hồn Tướng Lê Nguyên Vỹ
Kính tặng các chiến sĩ Quân Lực VNCH.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment