Wednesday, May 10, 2017

Tháng Tư, Kính Tiễn Cô Hạnh Nhơn

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 5106-18-30786-vb7042917

Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, một trong những người nữ quân nhân lãnh đạo tài đức vẹn toàn đã phục vụ hai mươi lăm năm trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sự ra đi của Cô là một mất mát lớn cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Mời đọc bài viết của tác giả từng nhận Giải Chung Kết Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.

* * *
blank
Trung Tá Hạnh Nhân thời tại ngũ trước 1975.
Như nhiều người quen biết và gần gũi với Cô, tôi gọi “Cô Hạnh Nhơn” và xưng là con.
Pháp danh “Thân Từ” khiến tôi nghĩ đến Cô là một Phật tử đã quy y với một vị Thầy nổi tiếng thường đặt Pháp danh cho các Phật tử bắt đầu bằng chữ “Thân”. “Tướng tùy tâm sanh”. Có lẽ vị Thầy đã nhìn thấy khuôn mặt thanh tú và phúc hậu của Cô toát ra tấm lòng từ bi nên đặt cho Cô pháp danh có ý nghĩa gần gũi và yêu thương: “Thân Từ”. “Từ” là tình thương, là lòng lân mẫn trước nỗi đau khổ của những người khốn cùng. Tình thương đã khiến Cô tận tụy với hàng chục ngàn hồ sơ thương phế binh, quả phụ, cô nhi và tử sĩ trong hai mươi năm qua từ các Hội Tương Trợ Tù Nhân Chính Trị và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh. “Từ” còn là ý trong kinh Pháp Hoa “Từ nhãn thị chúng sinh” đem mắt thương nhìn cuộc đời.
Có người ví Cô như một vị Bồ Tát, nếu hiểu Bồ Tát là những người có đời sống bình thường và ở gần chúng ta chứ không ở trên cõi hay tầng trời nào xa xôi. Người ấy lao vào làm những việc khó khăn không ai dám làm và không làm nổi. Người ấy sáng mang niềm vui đến cho người, chiều giúp người bớt khổ. Người ấy hy sinh, quên mình, “làm dâu trăm họ” mà vẫn vui, nghe những lời thị phi, sái quấy mà không hờn giận. Tinh thần phục vụ của người ấy bền bỉ và kiên trì đối với tha nhân cho đến lúc sức tàn, hơi kiệt. Đó là hành trạng của một vị Bồ Tát. Nếu hiểu như thế, Cô là một vị Bồ Tát.
Có ai biết cô gái sinh ra từ đất Thần Kinh thơ mộng ấy là con gái của một vị quan đại thần thanh liêm, chức vụ “Đô Thống Chưởng Vũ Sự” dưới triều vua Khải Định. Tuy là con nhà võ nhưng thấm nhuần đạo lý Nho gia, ông bố đặt cho con gái một cái tên trong sách vở của người xưa “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời đức hạnh làm câu trau mình”.(1)
“Hạnh Nhơn”, người con gái đức hạnh. Cái tên hợp với tính tình và phong cách đạo đức của Cô. Cô dịu dàng, hiền hòa từ cách ăn nói đến đối nhân xử thế. Khi gặp hoàn cảnh ngặt nghèo như tù đày hay khó khăn, người con gái đức hạnh ấy vẫn giữ được phẩm chất của người phụ nữ Á Đông trong thời loạn, chung thủy, chịu đựng, kiên trì vượt qua mọi chướng ngại, thử thách.
Xuất thân từ một gia đình thấm nhuần Nho học, khi lớn lên, Cô tiếp nhận nền văn hóa và giáo dục phương Tây. Cô nữ sinh trường Đồng Khánh học tiếng Pháp. Cô gia nhập đoàn Nữ Hướng Đạo của trường Đồng Khánh. Thời của cô, con gái được bố mẹ cho đi sinh hoạt hướng đạo là một quan niệm mới và tiến bộ. Mục đích của hướng đạo là đào tạo những con người chân thật và kiên cường, tháo vát và mạnh mẽ, luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân, thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn luôn đặt danh dự và trách nhiệm trên hết. Nền giáo dục của ngành hướng đạo bổ túc cho nền giáo dục gia đình và nhà trường, “dẫn đường” cho người đi sau này trở thành người công dân tốt, toàn diện và hữu ích cho đất nước.
Cô đã từng là Trưởng cao cấp, dự những khóa huấn luyện trong phong trào hướng đạo, được nhận bằng “Rừng” (Wood Badge) là đẳng cấp cao nhất dành cho huynh trưởng hướng đạo với cái tên thật là ý nghĩa “Hạc Bác Ái”. Sau này khi sang Mỹ, Cô đã được phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại Mỹ tặng huân chương “Bắc Đẩu” và “Bách Hợp” để vinh danh công lao đóng góp của Cô.
Ai đã đặt cho Cô cái tên của loài chim hạc? Chim hạc là loài chim quý. Chim hạc là hình tượng chính trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam. Chim hạc là biểu tượng văn hóa của nước Nhật. Chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ, hạnh phúc và an hòa. Chim hạc còn tượng trưng cho sự khôn ngoan, sự cao sang và quyền lực. Bác ái là tình thương mở rộng đến muôn người. “Hạc Bác Ái” cũng như “Thân Từ” là sự hòa hợp của tình người từ trái tim yêu thương của Cô khi đến với những người cùng khổ không chút phân biệt.
Năm nay Cô đã ngoài chín mươi.Với cái tên có nhiều ý nghĩa, “Hạc Bác Ái” đã bay một đoạn đường dài hơn bảy mươi năm, là chứng nhân của những thăng trầm trong giòng lịch sử Việt, đã “khóc cười theo vận nước nổi trôi” của đất nước.
Đâu chỉ có việc ăn cơm nhà vác ngà voi” những chuyện đại sự ngoài đời, đối với việc nhà, tuy xuất thân từ một cô tiểu thư khuê các xứ Huế, người con gái giỏi giang và đảm đang ấy “ngộ biến tòng quyền”. Cô đã từng ôm những mâm khoai, rổ mía đi bán thời tản cư khốn khó để kiếm sống giúp gia đình. Gần năm năm tù đày dưới chế độ Cộng sản, cô đã viết những trang hồi ký “Chuyện Người Tù Cải Tạo” kể lại những ngày sống gian khổ, bệnh hoạn, tủi nhục và cay đắng trong tù khiến người đọc vô cùng cảm động và khâm phục. Bên cạnh trái tim yêu thương, hiền hòa ấy còn là một dũng lực phi thường, một ý chí vững mạnh, lòng tự trọng son sắt để đối đầu với những âm mưu của cán bộ Cộng sản.
Ở tù thời cộng sản, chỉ có các bà đi thăm nuôi các ông. Trường hợp Cô Hạnh Nhơn là một trong những trường hợp hy hữu. Ông đi thăm nuôi bà. Tráng Trưởng Tráng đoàn Hoa Lư Lý Nhật Hướng có tên “Đà Điểu Điều Độ”, người bạn đời lý tưởng, người đã cùng chen vai sát cánh với Cô từ thời thanh xuân, những ngày đổi đời ấy, ông phải đóng vai bà Tú Xương chạy hàng buôn bán nuôi bà vợ ở tù và đàn con chín đứa.
Được trả tự do, năm một chín chín mươi, gia đình Cô lần lượt qua Mỹ theo diện HO2 và đoàn tụ để rồi từ cơ duyên đó, sau này Cô lãnh chức vụ Hội Trưởng Hội Tương Trợ Tù Nhân Chính Trị, tiền thân của Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả phụ Việt Nam Cộng Hòa suốt hai mươi năm.
*
blank
Bà Hạnh Nhơn 2017.
Tôi biết Cô Hạnh Nhơn từ phong trào “Một gia đình, một thương phế binh” của Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa tại nước Mỹ. Hội kêu gọi người Việt đồng hương tiếp tay với Hội bảo trợ một năm hai trăm bốn chục đồng cho những thương phế binh thuộc loại nặng như mù hai mắt, liệt hoặc cụt một hoặc hai tay và chân. Trường hợp thương phế binh nhẹ như mù một mắt hoặc bị nội thương, cụt một tay hoặc chân được bảo trợ một trăm hai chục đồng.
Tôi gửi thư xin được bảo trợ một thương phế binh. Cô chọn và gửi cho tôi hồ sơ và tấm hình của người thương phế binh tên Trần Văn Phụng. Anh bị mù hai mắt, khuôn mặt dị dạng, cánh tay trái bị gẫy, địa chỉ huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa.
Ám ảnh bởi đôi mắt mù của anh thương binh Trần Văn Phụng, tôi về Việt nam tìm đến thôn Phú Bình, xã Cam Tân gặp anh Phụng. Về Mỹ, tôi viết một bài về chuyến đi này. Bài viết được giải thưởng chung kết “Viết Về Nước Mỹ” năm hai ngàn mười sáu.
Khi bài viết được đăng trong mục “Viết Về Nước Mỹ”, cô em gái Hoa Lan trong nhóm Việt Bút đã mau mắn chuyển bài viết này đến Cô Hạnh Nhơn. Từ đó hai Cô cháu thành thân tình, cô thường gửi điện thư hoặc nói chuyện điện thoại với tôi. Tôi kể chuyện chuyến đi thăm người thương phế binh Trần Văn Phụng, về chị Nguyễn Thị Mai vợ của người anh hùng mũ đỏ Nguyễn Văn Đương mà có lần Cô gọi về Việt Nam hỏi thăm chị. Cô tâm tình về hoài bão mong có thêm nhiều tiền trong các chương trình Đại Nhạc Hội để việc giúp đỡ thương phế binh hữu hiệu và tích cực hơn. Cô nói bài viết của tôi làm cho Cô xúc động.
Nhiều bạn đọc Việt Báo Viết Về người Việt có lòng thương khi đọc bài viết này, họ gọi vào hỏi thăm và muốn gửi tiền về giúp đỡ. Tôi cho số phone và địa chỉ điện thư để họ trực tiếp nói chuyện với Cô. Cô gọi điện thoại lại: “Annie ơi. Bà con mình đọc bài của Annie gửi tiền về cho Hội nè. Cô vui lắm. Cô cảm ơn Annie”.
Cô cảm ơn tôi hay tôi phải cảm ơn Cô? Cô là người đã giúp tôi nuôi dưỡng thêm lòng từ bi và bác ái. Cô đã tạo cho tôi cơ hội để làm một việc có ý nghĩa. Cô đã cho tôi bài học phải biết cho đi và cách sống vị tha. Sự đóng góp của tôi thật là nhỏ nhoi so với việc lớn Cô đang làm.
Hôm ra mắt đặc san Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh- Người Thương Binh- VNCH”, Cô gửi cho tôi một quyển với những giòng chữ nắn nót thật đẹp. “Gởi tặng Annie Kim brochure Đại Nhạc Hội kỳ 10 vừa mới in xong. Trong này có đăng bài “Người thương binh và bóng tối còn lại” của Annie. Cô cháu mình còn gặp lại, sẽ nói chuyện nhiều hơn. Thân mến.”
Nhìn nét chữ cứng cáp, chân phương của người phụ nữ tuổi đã gần chín mươi mà vẫn còn làm việc, đầu óc vẫn minh mẫn, lúc nào cũng chu đáo, chân tình, tôi gọi cảm ơn Cô và hẹn gặp Cô trong buổi lễ phát giải thưởng “Viết về Nước Mỹ” vào tháng tám.
Vẫn mái tóc bạc trắng như một bà tiên, nét mặt phúc hậu và giọng Huế nhỏ nhẹ, nhưng lần này cô yếu nhiều và đi đứng chậm chạp hơn trước. Cô là khách mời quen thuộc hàng năm của giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” do Việt Báo tổ chức. Ngồi cạnh Cô là cô cháu gái cưng Hoa Lan. Tôi đến chào và chuyện trò với Cô một lát. Cô cười và nói nhỏ bên tai tôi “Cô chúc mừng Annie”. Có những người bạn của tôi nghe tiếng Cô đã lâu nhưng chưa biết mặt, lần này, trên sân khấu, tôi có dịp nhắc đến Cô, nhắc đến công việc lớn lao Cô đang làm và giải thưởng tôi đang cầm trong tay. Tất cả những gì tôi nhận được tối hôm ấy là những cái duyên trùng trùng nối kết với nhau bắt đầu từ sự quen biết với Cô và Hội.
Có một buổi chiều trời mưa tầm tã, cô em Hoa Lan từ xa xuống Little Saigon ghé tôi chơi một lát rồi đi thăm Cô. Hoa Lan nói đó là lần gặp, được Cô hôn nụ hôn ấm áp cuối cùng trước khi Cô cháu chia tay từ giã. Được tin Cô mất, hai chị em bùi ngùi tâm sự. Tang lễ của Cô rơi vào những ngày cuối của tháng Tư đen. Cô sống khôn chết thiêng, ra đi vào những ngày lịch sử này để mọi người ghi nhớ.
Theo di chúc của Cô, đám tang sẽ không làm lễ phủ cờ, chỉ có hai lá cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Hoa Kỳ đặt trên quan tài. Tiền mua hoa phúng điếu xin được xung vào quỹ của Hội HO Thương Phế Binh Và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa. Cô ra đi nhưng vẫn nghĩ đến những người thương phế binh còn lại ở quê nhà.
Ngày viếng tang, đi từ xa, tôi đã thấy những chiếc mũ đỏ, những chiếc áo rằn ri, những chiếc xe “Jeep” treo cờ vàng và cờ Mỹ của tập thể anh em chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đậu trước cửa nhà quàn Peek Family Funeral Home phòng số một. Những chiếc pa-nô đầy những hình ảnh của Cô chụp với gia đình, cá nhân và hội đoàn dựng chung quanh sân. Bức ảnh lớn Cô cười thật tươi bên một lẵng hoa hồng đỏ dựng trước cửa ra vào. Tôi cùng với những người đến phúng điếu sớm nhất trong ngày đầu tiên dừng lại ghé xem. Những trang viết, tiểu sử, hình ảnh, lời di huấn, thông báo....là những kỷ vật mọi người sẽ nhớ mãi về Cô.
Cô nằm đó, an bình, tĩnh lặng. Cặp kính trắng gác trên sống mũi như Cô đang nằm đọc sách. Sau thời kinh tụng cầu siêu, một dãy người xếp hàng dọc theo lối đi, tuần tự vào thắp hương và đứng trước quan tài tưởng niệm Cô lần cuối.
Bên trái quan tài là một tấm pa-nô lớn với hình ảnh Cô giơ cánh tay phải lên chào. Bức ảnh này nếu tôi không lầm là bức ảnh mới nhất chụp trong ngày Đại Hội “Cám Ơn Anh- TPB- VNCH” kỳ 10, Cô mặc chiếc áo “vest” màu xanh. Cô cười tươi và đẹp quá với màu son môi hồng thắm. Mái tóc trắng phau như tuyết chải thành nếp gọn gàng. Còn cặp kính? Tôi nghĩ đến một đời sống mới sau khi chết đi. Chiếc kính này biết đâu sẽ cùng đi theo Cô sang bên kia thế giới lành thiện để rồi tái sinh ở cõi người, Cô sẽ tiếp tục đọc những hồ sơ còn dở dang của những người thương phế binh VNCH như ước nguyện của Cô khi còn sống?
Bốn mươi hai năm sau ngày miền Nam tự do bị bức tử, tháng Tư 2017, những lá cờ vàng trên đường phố Little Saigon góp phần thương tiếc Cô, người Nữ Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa, vị Chủ Tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phu, trọn đời tận tụy với đồng bào đồng đội.
Sau khi viếng tang cô, từ nhà quàn trên đường Beach, tôi thấy mình phải đi ra biển.
Chiều tháng Tư, nắng nhạt. biển Huntington Beach vắng. Nhìn sóng biển dào dạt trên bờ cát, rồi nhìn mây trắng lững lờ trên bầu trời, tôi nhớ Cô.

Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
...
Gần xa chiều xuống nào quê quán
Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi (2)


Thưa Cô Hạnh Nhân,
Cô là Hạc Bác Ái của Hướng Đạo Việt Nam. Mây trời và sóng biển nhắc con rằng từ đây, Cô cũng là Hạc Vàng.
Bài viết cho ngày 30 tháng Tư năm 2017. Kính tiễn Cô Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.
Cầu nguyện hương linh Cô vãng sanh Tịnh Độ.

Phùng Annie Kim

Chú Thích:
1 - Thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
2 - Thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu- Bản dịch sau Tháng Tư 1975 của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Tuesday, May 9, 2017

Về một con người rất lớn Nguyễn Thị Hạnh Nhơn By Trần Lý Lê - April 29, 2017

Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ 1 2006 Dù và Hình trên sân khấu do 
Phạm Hòa thiết kế
 
Tuần qua, hầu hết mọi đài truyền thanh, truyền hình và báo chí tiếng Việt đều đăng tải bản tin buồn về Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, bà qua đời lúc 1 giờ 43 phút sáng Thứ Ba, ngày 18 Tháng Tư, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 90 tuổi. Đây là một mất mát vô cùng lớn lao của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như cộng đồng Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa tại quê nhà. (Tiểu sử – Phụ Bản 1)

nguyen-thi-hanh-nhon9
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (trong Đại nhạc hội Cám Ơn Anh Kỳ I, 2006)
Bà Hạnh Nhơn được xem là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH qua các chương trình gây quỹ cứu trợ. Cho đến ngày qua đời, bà Hạnh Nhơn là hội trưởng, Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH (hội HO). Mỗi năm, hội giúp hàng chục ngàn cựu chiến binh VNCH bị mất một phần thân thể, cùng những phụ nữ có chồng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Ðể tài trợ chương trình cứu giúp thương phế binh và quả phụ VNCH, bà Hạnh Nhơn đã đứng ra tổ chức các kỳ đại nhạc hội gây quỹ hàng năm. Sát cánh với bà là nghệ sĩ Nam Lộc và rất nhiều các tình nguyện viên khác. Các đại hội ca vũ nhạc này  là những chương trình lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
nguyen-thi-hanh-nhon3
Nam Lộc với 25 ngàn khán giả trong Đại nhạc hội gây quỹ xây dựng tượng đài năm 2002
Ðể tìm hiểu, thương tiếc và vinh danh một nhân cách lớn của cộng đồng Việt, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc, người cộng tác thân tín nhất của bà Hạnh Nhơn, về các chương trình cứu trợ của hội HO.
Ông Nam Lộc kể lại rằng vào cuối thập niên 90, hội HO do ông Nguyễn Hậu làm hội trưởng đã giúp đỡ các cựu chiến binh VNCH định cư tại Hoa Kỳ. Khi chương trình định cư hoàn tất và ông Nguyễn Hậu qua đời, bà Hạnh Nhơn thay thế chức vụ hội trưởng và khởi đầu chương trình cứu trợ thương phế binh và quả phụ. Năm ấy, chính bà Hạnh Nhơn cũng vừa định cư tại Hoa Kỳ được khoảng một năm.
Mối duyên giữa bà Hạnh Nhơn và nghệ sĩ Nam Lộc bắt đầu từ năm 2005 qua sự giới thiệu của ký giả Vũ Chung và nhà báo Huy Phương.
nguyen-thi-hanh-nhon1
Nam Lộc, bà Hạnh Nhơn, Trúc Hồ trong Đại nhạc hội Cám Ơn anh Kỳ 10 năm 2010
Nam Lộc nổi tiếng trong cộng đồng người Việt qua tài tổ chức thành công các chương trình đại nhạc hội ngoài trời tại Việt Nam (trước năm 1975) và tại hải ngoại sau ngày quốc nạn. Là một nhạc sĩ / nhà hoạt động cộng đồng, ông quen biết và thân thiết với rất nhiều anh chị em nghệ sĩ và cũng là một “ông bầu” chu đáo đàng hoàng, được tin cậy nên Nam Lộc dễ dàng mời gọi sự cộng tác của giới nghệ sĩ. Nam Lộc thành công rực rỡ trong hai kỳ đại nhạc hội gây quỹ tài trợ tượng đài chiến sĩ vinh danh quân lực VNCH tại Westminster, California, thủ đô tị nạn. Ðây là tượng đài chiến sĩ đầu tiên tại Hoa Kỳ mang hình ảnh người lính VNCH. Hồi tưởng lại chuyện cũ, Nam Lộc vẫn bùi ngùi xúc động, ông ấy nói rằng có khoảng 400 đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở nhiều nơi tại Hoa Kỳ để vinh danh và thương nhớ tử sĩ của họ; nhưng bên cạnh các chiến binh Mỹ vẫn thiếu vắng biểu tượng người lính miền Nam Việt Nam; “dù nhiều cựu chiến binh VNCH đã định cư, người sống đã đến được đất tạm cư nhưng còn thiếu linh hồn tử sĩ, ta cần một biểu tượng để thân nhân, đồng đội có nơi để đến, được thắp một nén nhang, đốt một điếu thuốc… nhìn khói hương ấm áp mà thương nhớ… Ðó là động lực thúc đẩy các cựu chiến binh cùng cá nhân tôi xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ” (Nam Lộc chia sẻ).
Với các nỗ lực liên tục ngày đêm của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài, thành phố Westminster, cùng các cựu chiến binh, sự ủng hộ của các hội đoàn tôn giáo, thân hào nhân sĩ địa phương, với các đóng góp của văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ, truyền thông báo chí Việt tại hải ngoại và với sự đồng thuận của thành phố, ngày 27 tháng Tư năm 2003, tượng đài chiến sĩ tại Westminster đã được khánh thành.
nguyen-thi-hanh-nhon
Tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster khánh thành Tháng Tư năm 2003
Qua hai cuộc gây quỹ thành công rực rỡ đó, Nam Lộc vang danh là một nhà tổ chức các buổi đại nhạc hội có uy tín và tài giỏi. Ðể tiếp tục tài trợ chương trình cứu giúp TPB và quả phụ VNCH, Hội HO cần một ông bầu tài giỏi, đáng tin cậy và chịu dấn thân “vác ngà voi”, bà Hạnh Nhơn nghĩ đến nghệ sĩ Nam Lộc và nhờ cậy thân hữu giới thiệu.
Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã để lại nhiều ấn tượng êm đẹp trong lòng Nam Lộc. Khi nói về “chị Cả”, về bà Hạnh Nhơn, xúc cảm khiến giọng ông nghệ sĩ lạc đi, nghẹn lời… Ðó là một phụ nữ với dáng vẻ hiền từ; nói năng nhỏ nhẹ và tấm lòng tha thiết với đồng đội… Chị Hạnh Nhơn có hình ảnh của một ‘nữ tu’ nhân hậu nhưng lại là biểu tượng của một quân nhân kiêu hùng và một cựu tù cải tạo can trường. ‘Nữ tu’ ấy đã đem hết tuổi thanh xuân phục vụ đất nước, chịu tù đày rồi ngày nay dùng những tháng năm còn lại để cứu giúp đồng đội, những người không may mắn đang phải sống dưới chế độ cộng sản…
Thoạt tiên, nghệ sĩ Nam Lộc ngần ngại vì trách nhiệm quá lớn nhưng sau lần gặp mặt, và bị “thu hút bởi khuôn mặt hiền từ cùng trái tim nhân ái của chị Hạnh Nhơn”  ông nhận lời cộng tác và từ đó họ là những thành phần nồng cốt của ban Tổ Chức trong các kỳ đại nhạc hội cứu trợ TPB thường niên từ suốt hơn 10 năm qua. Không những chỉ nhận lời cộng tác mà Nam Lộc còn mời gọi thân hữu tiếp tay trợ giúp. Trong lá thư gửi Trúc Hồ (giám đốc nghệ thuật) và Thy Vân (nhà quản trị) của Trung Tâm Asia (Ðiện thư ngày 30 tháng Ba, năm 2006 – Phụ bản 2), Nam Lộc đã giới thiệu về bà Hạnh Nhơn như sau:
nguyen-thi-hanh-nhon2
Nam Lộc và ca sĩ Ý Lan trao tiền cho Ủy ban xây dựng tượng đài năm 2002
“Dear Trúc Hồ & Thy Vân,
 Thấm thoát mà đã gần 4 năm, kể từ ngày chúng ta gây quỹ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster và gần 3 năm kể từ khi tượng đài được khánh thành, mà TTAsia đã đóng góp không nhỏ vào công trình này. Lúc đó anh em chúng ta cũng đã chia sẻ đôi lần là chúng mình đã làm được một phần nào để an ủi linh hồn những anh hùng tử sĩ, bây giờ là lúc phải nghĩ đến những người còn sống. Ðó chính là các thương phế binh VNCH, những người đã hy sinh một phần thân thể cho cuộc chiến…
…Rất nhiều hội đoàn đã lẻ tẻ và âm thầm quyên góp để giúp họ nhưng không có một ngân khoản nào lớn để có kế hoạch tổng quát và rộng rãi. Một trong những tổ chức rất đứng đắn và lặng lẽ làm việc với danh sách khoảng gần 8,000 thương phế binh, đó là Hội HO, Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH do bà Hạnh Nhơn, là một cựu Trung Tá rất có lòng và đứng đắn làm hội trưởng. Anh đã làm việc với bà nhiều lần và rất được mọi người, mọi giới hỗ trợ, kể cả giới truyền thông, báo chí… 
nguyen-thi-hanh-nhon7
Dù lớn tuổi, bà Hạnh Nhơn cũng đi dán poster cho Đại nhạc hội Cám Ơn Anh
…Muốn thu hút số lượng khán giả tham dự dự trù là 10,000 người thì phải có một chương trình ca nhạc hấp dẫn, ý nghĩa và giá trị. Theo anh chỉ có Asia mới hội đủ tiêu chuẩn để làm được việc này. Vậy hôm nay, thay mặt ban tổ chức, anh tha thiết kêu gọi TTAsia, Trúc Hồ và Thy Vân tiếp tay trong công cuộc gây quỹ quan trọng và ý nghĩa này, trước là để tỏ lòng biết ơn đến tập thể Thương Phế Binh VNCH, sau là có cơ hội đóng góp vào một trong những sinh hoạt hữu ích của cộng đồng người Việt tại hải ngọai.
Anh xin bảo đảm về uy tín cũng như sự đúng đắn của bà Hạnh Nhơn cũng như của Hội HO, Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH cùng các hội đoàn khác góp mặt trong BTC, nhất là về vấn đề tài chánh. Chúng ta có một hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ và đúng đắn mà không sợ bị ai lợi dụng nỗ lực và lòng từ tâm của mọi người…”
nguyen-thi-hanh-nhon8
Nam Lộc và Lena Nguyễn (Đại nhạc hội Cám Ơn Anh Kỳ I, 2006)
Buổi Ðại Nhạc Hội ‘Nhớ Người Thương Binh” đầu tiên đã diễn ra vào ngày 25 tháng Sáu, năm 2006 tại sân vận động của trường Trung Học Bolsa Grande, California và được tiếp tục hàng năm dưới tên ‘Cám Ơn Anh’. Ðược đồng hương hải ngoại hưởng ứng và đóng góp, đến nay, chương trình ÐNH đã tiếp tục đến năm thứ 11. Ðiển hình là năm ngoái, kỳ đại nhạc hội lần thứ 10 thu góp được $1,279,000. Mỗi năm, cả triệu Mỹ kim được Hội HO/TPB chuyển về Việt Nam cứu giúp các thương phế binh và quả phụ VNCH.
Cộng tác mật thiết với bà Hạnh Nhơn suốt hơn 10 năm qua, chẳng mấy khi nghệ sĩ Nam Lộc nghe nhắc đến gia đình riêng của bà; dường như lúc nào lòng bà cũng hướng về những thương phế binh và quả phụ VNCH. Bà lo lắng làm việc ngày đêm để chu toàn trách nhiệm, thu góp tiền bạc ủng hộ từ người Việt hải ngoại để chuyển tận tay người nhận. Sổ sách minh bạch, rõ ràng, mỗi người nhận là một hồ sơ đính kèm địa chỉ và biên lai. Năm này sang năm khác, bà Hạnh Nhơn tận lực, tận tâm và không để việc dị nghị điều tiếng xảy ra.
nguyen-thi-hanh-nhon5
Bà Hạnh Nhơn trong trang phục Hướng Đạo
Cho đến khi bà Hạnh Nhơn đau nặng, nghệ sĩ Nam Lộc mới có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những người con trong gia đình bà Hạnh Nhơn, 9 người con cộng thêm dâu rể, cháu nội ngoại… Người con út, trên đường qua Hoa Kỳ, chưa đến nơi thì bà Hạnh Nhơn qua đời.
Riêng Nam Lộc, bận rộn với các buổi đại nhạc hội từ San Jose đến Baltimore, những ngày bà Hạnh Nhơn chịu giải phẫu rồi nằm phòng bệnh nặng, may mắn hơn người con út, ông được nhìn mặt ‘chị Cả’ lần cuối vào tối ngày Thứ Ba vừa qua. “Tay bà còn ấm, tôi nói lời thương mến, bịn rịn chia tay dù bà không còn trả lời… Tôi hứa với bà rằng sẽ tiếp tục chương trình trợ giúp thương phế binh và quả phụ VNCH; hy vọng mọi người sẽ hồi hướng công đức của bà để đóng góp tích cực cho kỳ đại nhạc hội sắp tới được thành công…
Tôi gặp ‘chị Cả’ lúc bà đã 78 tuổi, tuổi già mong manh chẳng mấy ai tránh được lẽ Trời nhưng tôi vẫn hy vọng và thầm cầu mong bà mạnh khỏe để tiếp tục con đường phục vụ đồng đội. Biết rằng sẽ có lúc phải đi riêng mình nhưng tin bà đau nặng khó qua khỏi vẫn là tin sét đánh. Tôi bàng hoàng, đau đớn vì nỗi mất mát quá lớn. Tôi tiếc thương bà Hạnh Nhơn lắm, Chị Cả là người vĩ đại nhất trong cuộc đời hoạt động [vì] cộng đồng của tôi.”

Nghệ sĩ Nam Lộc mất một người đồng hành trân quý, cộng đồng người Việt mất một nhân cách lớn và các thương phế binh & quả phụ VNCH mất một người trợ giúp nhiệt thành. Chúng ta tiếc bà và xin tiễn bà về chốn an nghỉ ngàn năm. 

TLL
Phụ Bản 1 -Tiểu sử
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn sinh năm 1927 tại Huế, gia nhập Việt Binh Ðoàn Ðệ Nhị Quân Khu vào năm 1950, phục vụ trong ngành Hành Chánh – Tài Chánh. Năm 1957 bà được thuyên chuyển về phục vụ tại Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, Huế với cấp bậc Thiếu Úy, rồi lên lon Trung Úy sĩ quan tiếp liệu. Sau đó bà được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện và Trường Nữ Quân Nhân và lên lon Ðại Úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ quân nhân của Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1969, bà là Thiếu Tá trưởng phòng nghiên cứu. Sau đó, bà được chuyển qua Không Quân và lên cấp bậc Trung Tá năm 1972 và phục vụ trong quân đội cho đến ngày miền Nam rơi vào tay Việt Cộng.
nguyen-thi-hanh-nhon4
Đoàn nữ quân nhân QLVNCH. Đứng giữa là Đại tá Trần Cẩm Hương, bên cạnh là Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (dấu X)
nguyen-thi-hanh-nhon6
Gia đình bà Hạnh Nhơn cùng các con, cháu
Bà đã được ân thưởng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương sau khi phục vụ một-phần-tư thế kỷ trong QL/VNCH. Sau 30 tháng 4, 1975 bà bị Việt Cộng bắt đưa vào trại tù tập trung hơn bốn năm. Ðến năm 1990, bà và gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.2.
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn cũng là một Trưởng Hướng Ðạo Sinh, bà gia nhập đoàn nữ Hướng Ðạo trường Ðồng Khánh, Huế từ năm 1941 với tên Rừng là Hạc Bác Ái, bà là một ngôi sao Bắc Ðẩu trong đại gia đình Hướng Ðạo Việt Nam.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, bà tham gia Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị, cùng lúc vẫn sinh hoạt trong phong trào Hướng Ðạo. Năm 1996 bà được mời làm Tổng Thư Ký Hội H.O. Cứu Trợ TPB/QP/VNCH và năm 2006, bà được mọi người trong Hội cử giữ chức Hội Trưởng. Từ ngày đó, bà cộng tác với Trung Tâm Asia, đài SBTN/TV và các nam nữ nghệ sĩ để tổ chức Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh – Người Thương Binh VNCH.”
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn kết hôn với ông Lý Nhựt Hướng, cũng là trưởng Hướng Ðạo (đã quá vãng). Ông bà có 9 người con, cùng dâu rể và cháu chắt nội ngoại. Bà theo đạo Phật, Pháp danh là Thân Từ.