(Theo báo Viễn Đông - GARDEN GROVE)
12 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 7 tháng 8 năm 2011, dưới cái nóng gay gắt của mùa hè California, khiến nắng không còn dịu dàng nữa, nhưng vẫn không cản ngăn được bước chân của hàng chục ngàn đồng hương, già, trẻ, thanh niên, trung niên. Có nhiều cụ già chân yếu phải ngồi xe lăn, nhiều em nhỏ được ba mẹ ẵm bồng… tất cả đều rạng rỡ nụ cười, cùng nhau đến dự Đại Nhạc Hội (ĐNH) “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” Kỳ 5 được tổ chức tại Sân Vận Động trường Trung Học Bolsa Grande, thành phố Garden Grove, do Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH phối hợp với Trung Tâm Asia và Đài Truyền Hình SBTN, đài truyền hình SET, cùng sự yểm trợ giúp sức của Liên Hội Cựu Chiến sĩ VNCH Nam California và Tổng Hội Sinh Viên Nam California cùng nhiều hội đoàn trong cộng đồng và các cơ quan truyền thông...

Hàng chục ngàn khán giả ngồi chật các lều che nắng và tràn ra ngoài khi chương trình Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 5 bắt đầu đúng 12 giờ trưa ngày 7-8-2011 tại Garden Grove - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông
Chương trình được trực tiếp phát hình trên hai hệ thống truyền hình SBTN khắp toàn quốc Hoa Kỳ và Canada, cũng như đài địa phương SET 57.4.Dẫu ĐNH lần này đã được diễn ra đều đặn suốt 5 năm qua, vẫn đến rồi đi như vầng dương sáng mọc chiều tàn, nhưng qua mỗi con tim của những người tham dự, mỗi kỳ ĐNH dường như vẫn luôn luôn mang vóc hình riêng khác lạ, cảm xúc tươi mới như phút ban đầu.Hiện diện trong Đại Nhạc Hội có rất nhiều vị cựu tướng lãnh VNCH, hàng trăm cựu quân nhân VNCH thuộc các binh chủng, các quân nhân hiện dịch của Quân Lực Hoa Kỳ, các vị dân cử, đại diện các tôn giáo và nhiều đồng hương về từ San José, San Diego, Pomona, Los Angeles, Michigan... các đồng hương Việt Nam đến từ Úc Châu, Canada, Na Uy, Việt Nam, Đài Loan… Đặc biệt có sự hiện diện của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, và sự xuất hiện lần đầu tiên của Đại Tá Lương Xuân Việt (nguyên Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 thuộc Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ, từng đóng quân tại Afghanistan) - một hậu duệ của một cựu quân nhân VNCH.


Lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ lúc 12 giờ trưa khai mạc Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 5 ngày 7-8-2011 tại Garden Grove - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông
Lễ rước Quốc, Quân kỳ VNCH đã được cử hành trọng thể bởi các cựu quân nhân VNCH với sắc phục của Hải, Lục, Không Quân, sau đó là lễ chào quốc kỳ VNCH, Hoa Kỳ và lễ truy điệu chiến sĩ với tiếng kèn đồng vang lên trong không khí linh thiêng và xúc động.Đoàn mô tô VHOG do luật sư Đỗ Phủ dẫn đầu, đã gửi lời chào mọi người trong tiếng nổ rền vang của khoảng 30 chiếc xe, họ cùng nhau tiến vào phía sân trước sân khấu, trong tiếng vỗ tay của mọi người tham dự.Mở rộng trái tim và vòng tay ấm áp để yêu thương và chia sẻ với các TPB, quả phụ, cô nhi VNCH nơi quê nhà:
“Món nợ ân tình sao trả nổi
Xót xa nghĩ đến cuộc đời anh
Món nợ tổ quốc chưa trả hết
Niềm đau phế tật vẫn còn đây
Ta nợ người chiến binh bất hạnh
Nợ kẻ phế nhân lê lết đầu đường
Nợ những ân tình bao năm chiến đấu
Nợ nỗi nhục nhằn giày xéo quê hương”

Đây là những câu thơ trang trọng trên biểu ngữ được ban tổ chức trang hoàng ngay từ cổng vào tại nơi diễn ra ĐNH.

Bởi vì đối với các nhân viên trong ban tổ chức, của Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, các thiện nguyện viên, các ca nghệ sĩ và các đồng hương tham dự ĐNH, những đóng góp của mỗi người chính là những tấm lòng hướng về các anh TPB, những quả phụ cô nhi VNCH, tri ân những chiến sĩ VNCH đã từng là chiến binh một thời xông pha chiến trận, hiến dâng cho tổ quốc tuổi xuân và một phần thân thể, để rồi hình hài không còn vẹn nguyên. Và sau biến cố 1975, lại thường xuyên mang nhiều chứng bệnh do lao lực quá sức vì miếng cơm manh áo, và cả tâm bệnh của những người lính thua trận vẫn đang sống trên quê hương, nhưng lại bị nhà cầm quyền mới rẻ rúng, lánh xa…


Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn phát biểu khai mạc Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 5 ngày 7-8-2011 tại Garden Grove - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông
Mở đầu chương trình, cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, nay đã 85 tuổi hạc, nhưng tấm lòng và nhiệt huyết vẫn bền chặt vì các TPB- QP, những mảnh đời khốn khổ, còn kéo lê cuộc sống tại Việt Nam. Bà đã lên sân khấu đọc diễn văn khai mạc, sau vài lời cám ơn những ân tình của đồng hương, các ân nhân, các niên trưởng, thân hữu, các thiện nguyện viên, các nghệ sĩ… đã góp hàng ngàn bàn tay vào từ việc lớn, việc nhỏ, mới thành hình được quang cảnh ĐNH. Bà nói: “Trong một năm qua, hội chúng tôi đã miệt mài lo gửi những số tiền gây quỹ ĐNH ‘Cám Ơn Anh” kỳ 4 do quý vị đóng góp, đã giúp hơn 6.000 gia đình TPB & QP/VNCH. Theo những thư cám ơn của anh em gửi qua, những món quà chúng ta gửi về đem lại nỗi vui mừng, niềm hạnh phúc, những bữa cơm no, những tấm áo quần lành lặn, những viên thuốc, những số vốn nhỏ để anh em đắp đổi qua ngày. Thật ra đó chỉ là những món quà thân thương gửi về tri ân và an ủi tạm thời mà thôi.“Đời sống của các anh em sao mà quá khổ: tàn tật, đói lạnh, bệnh hoạn, thiếu thốn, nhiều con cháu phải lao động nặng nhọc từ thưở bé thơ, những bà vợ buôn thúng bán bưng nuôi chồng, nuôi con bao nhiêu năm cơ cực. Đến nay, vợ chồng đều đã già yếu, kiệt sức. Một số anh em được giúp năm trước, năm nay gửi giúp lại thì đã qua đời. Vì vậy, việc lo cho anh em cuối đời ngày càng cấp thiết…”.Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn nói thêm: “Những kỳ ĐNH ‘Cám Ơn Anh’ là dịp để chúng ta họp mặt, cũng như hàng trăm ngàn đồng hương đang theo dõi trên đài SBTN trực tiếp truyền hình khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada, chúng ta đang cùng nhìn chung về một hướng. Hãy tưởng tượng nét hân hoan rạng rỡ của hàng ngàn anh em TPB & QP cùng gia đình vợ con khi nhận được tiền giúp đỡ, chúng ta đã tạo được cho các anh em những nụ cười tươi, một niềm hy vọng để vui sống…”.Sau bài phát biểu của bà Hạnh Nhơn, trưởng ban tổ chức - cựu Thiếu Tá Phan Tấn Ngưu, Liên Hội Trưởng Liên Hội Chiến Sĩ VNCH Nam California, lên sân khấu chia sẻ những nỗi niềm của người chiến sĩ QLVNCH, trong bài phát biểu, có đoạn: “Hậu quả cuộc chiến bao giờ cũng là những nỗi đau thương, mất mát. Nhưng cuộc chiến tranh ý thức hệ mà Việt Nam đã trải qua giữa lằn ranh Quốc Cộng và sau 36 năm đặt ách thống trị lên dân tộc, bọn cộng sản không còn lý do để biện minh cho sự thống khổ của người dân hiện nay. Họ đã hành xử như những kẻ cướp, chỉ biết cưỡng đoạt và hưởng thụ trên sự đau khổ của người khác, bất kể lương tâm và đạo lý làm người. Trong một xã hội như vậy, mà hiện còn có biết bao Thương Binh VNCH đang phải sống lây lất, ngày qua ngày. Càng nghĩ tới, chúng ta càng thương xót cho họ, cho những người anh hùng mà chưa một lần được tổ quốc vinh danh”.Chương trình văn nghệ đã khai mạc với nhạc phẩm “Xuất Quân” do các chị, các anh trong Liên Hội Chiến Sĩ VNCH Nam California trình bày.Ban tù ca Xuân Điềm, trong nhạc cảnh “Anh Vẫn Sống” để nhớ ơn những người thương phế binh VNCH, ngợi ca niềm cảm phục những chiến sĩ oai hùng, những chiến sĩ vô danh năm xưa.Đại Nhạc Hội kỳ 5 có mặt khoảng 100 ca nhạc sĩ như: Anh Dũng, Diễm Liên, Băng Châu. Cardin, Châu Tuấn, Chí Tâm, Đan Nguyên, Đan Vy, Diệp Thanh Thanh, Giang Tử, Hà Thanh Xuân, Hồ Lệ Thu, Hồ Ngọc Như, Hồng Đào, Huỳnh Gia Tuấn, Lâm Nhật Tiến, Lâm Thúy Vân, Mai Lệ Huyền, Mai Ngọc Khánh, Mai Thanh Sơn, Minh Thông, Mỹ Huyền, Ngọc Minh, Phi Khanh, Nini, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế, Phượng Liên, Phương Vũ, Quang Minh, Quỳnh Hương, Shayla, Sỹ Đan, Tâm Đoan, Thanh Thúy, Thanh Lan, Thiên Kim, Tiến Dũng, Trung Chỉnh, Tuấn Vũ, Tường Khuê, Tường Nguyên, Túy Hồng, Ý Lan.Với 5 ban nhạc luân phiên phục vụ chương trình như Y2K, The Soldier, Moon Flower, The Asian Band và Tù Ca Xuân Điềm.Phần dẫn chương trình do 12 MC từ các đài truyền hình, radio, các trung tâm ca nhạc như: Nam Lộc, Giáng Ngọc, Diệu Quyên, Bảo Châu, Đỗ Tân Khoa, Việt Dzũng, Ngọc Đan Thanh, Lâm Quỳnh, Minh Phượng, Dương Nguyệt Ánh, Kim Nhung, Quế Trang, Thanh Toàn... lần lượt xướng danh những đóng góp của các cá nhân, cơ sở thương mại...Đến tham dự chương trình, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã có một bài phát biểu thật cảm động. Sau vài lời tâm tình về ngày ĐNH, nữ khoa học gia đã đọc lại vài nhận định về QLVNCH của một số nhân vật tiếng tăm Hoa Kỳ do Nguyễn K. Phong sưu tầm từ nhiều tài liệu khác nhau, đó là những ngợi khen, ngưỡng mộ về QLVNCH, về khả năng tác chiến của các tướng lãnh, quân nhân VNCH, về sự hy sinh bền bĩ, về những mất mát, hy sinh…Để kết thúc bài phát biểu, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh nói: “Người ta có thể quên thù oán cá nhân nhưng không quên thù nước, và lại càng không bao giờ quên ơn, dù là ơn cá nhân huống chi là ơn những anh hùng giữ nước. Ngay cả những người trẻ trong nước, sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến, mà mới đây trong các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng, cũng đã lên tiếng vinh danh và tri ân liệt sĩ Hoàng Sa, tức các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974."“Thật vậy, hôm nay chúng ta đến đây không phải để cùng nhau làm việc thiện, mà để vinh danh chiến sĩ của chúng ta và đóng góp một phần nhỏ vào việc trả ơn cho họ, những anh hùng của tập thể Quân, Dân, Cán, Chính VNCH mà sức chiến đấu đã được sử gia Lewis Sorley gọi là: ‘the stubborn, even heroic, South Vietnamese defense’, nghĩa là sự chiến đấu kiên cường và oai hùng của quân dân VNCH”.Bên cạnh niềm xúc động lan tỏa đến với mọi người tham dự từ bài phát biểu của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, bài nói chuyện lưu loát bằng 2 ngôn ngữ Anh, Việt của Đại Tá Lương Xuân Việt đã dường như lấy trọn tình cảm của những ai hiện diện tại ĐNH hoặc theo dõi qua màn ảnh truyền hình, với hàng ngàn tiếng vỗ tay tán thưởng dành tặng người đại tá còn trẻ, nhưng sớm có nhiều chiến công hiển hách này.

Đại Tá Quân Lực Hoa Kỳ Lương Xuân Việt, vị khách mời danh dự, nhận tấm khăn len đan màu cờ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ từ ban tổ chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 5 ngày 7-8-2011 tại Garden Grove. Bên trái là khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, cũng là một vị khách danh dự tình nguyện làm MC cho chương trình - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông
Đại Tá Lương Xuân Việt nói:Kính thưa quý vị, lần này là hơn 20 năm tham gia trong Quân Lực Hoa Kỳ, lần đầu tiên tôi mới trở về đóng góp với cộng đồng, thì tôi cũng hy vọng sự hiện diện của tôi là sự đóng góp nhỏ nhoi cho buổi Đại Nhạc Hội hôm nay. Khi tôi đến đây, thực sự mắt tôi phải rơi lệ, vì tôi nhìn thấy các anh em cựu quân nhân QLVNCH đứng bên góc trái của sân khấu và nhất là khi tôi nhìn những người mũ xanh hay những người mũ đỏ. Có hai lý do, thân phụ tôi khi xưa là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, nên tôi nghĩ đến thân phụ của tôi (đã qua đời mấy năm trước), còn những anh mũ đỏ thì lúc nào cũng gần gũi với tôi, vì cùng binh chủng.
“Tôi nghĩ mặc quân phục hay binh phục, mà đã ra chiến trường, thì mới biết cái tình thiêng liêng của huynh đệ làm sao, lời thề là không bao giờ bỏ lại đồng mình, bỏ lại anh em đồng đội trên chiến trường và 35 năm sau khi bị mất nước, tôi rất hãnh diện đứng trên đây để nói chúc ban tổ chức thành công rực rỡ
”.
Không chỉ đến tham dự, Đại Tá Lương Xuân Việt còn đóng góp cho ĐNH 500 Mỹ kim, và đã nhận được lời cảm ơn của ban tổ chức, cùng tấm khăng len choàng cổ có hình cờ VNCH và Hoa Kỳ.Trong một phút ngắn ngủi, Đại Tá Lương Xuân Việt đã chia sẻ với phóng viên Viễn Đông: “Dù nghĩ về các TPB trong Quân Lực VNCH hay với đồng đội của mình trong quân đội Hoa Kỳ khi bị thương tích, hy sinh, tôi luôn luôn đau xót. Những người đã chiến đấu cho tự do và bảo vệ cho chúng tôi có ngày hôm nay, là những người rất đáng quý, nhất là những thương phế binh VNCH còn kẹt lại Việt Nam và sống trong những tình cảnh rất khó khăn. Tôi nghĩ có cơ hội giúp được họ thì rất là mừng, và đây là một trọng trách rất thiêng liêng”.
* Những tâm tình của người tham dựTrò chuyện với phóng viên, nhạc sĩ Nam Lộc nói: “Từ khi tôi còn trẻ, tôi đã tổ chức những chương trình ĐNH nhạc trẻ ngoài trời, với 15 hay 20 ngàn người khi còn ở Việt Nam. Mỗi năm gây quỹ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ cho gia đình tử sĩ quân nhân Quân Lực VNCH, cho nên tôi nhìn thấy hình ảnh khi mình còn trẻ, khi mình lớn lên như vậy, cảm thấy những chặng đường tuy nó dài, nhưng mình may mắn là đã được tham dự những chương trình ý nghĩa, làm cho cuộc đời của mình nó đáng sống hơn”.Ông nói thêm: “Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Đại Tá Lương Xuân Việt là những viên chức cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ, sự tham dự của họ ngày hôm nay rất tế nhị, bởi vì chúng ta là một quốc gia đã là quá khứ, và hiện nay Hoa Kỳ đã bang giao với cộng sản Việt Nam, họ lại là những viên chức liên bang. Họ vẫn hãnh diện cội nguồn của họ, cho nên nếu chúng tôi làm không đúng, thì chúng tôi sẽ không được giới trẻ ủng hộ, mà sẽ bị tẩy chay.Cho nên, tôi rất hãnh diện, những giấc mơ của mình mong muốn đã trở thành sự thật”.Ký giả Kiều Mỹ Duyên nói: “Vì trước đây là phóng viên chiến trường, đi với nhiều quân binh chủng khác nhau, nhiệm vụ với TPB VNCH là bổn phận phải trả nợ những người đã hy sinh mạng của họ cho mình sống. Tối hôm qua tôi ra đây, nhìn thấy 200 thiện nguyện viên ra làm việc, mồ hôi nhễ nhại, đê có lều bạt và xếp ghế cho đồng bào ngồi, là công lao anh em liên hội cựu chiến sĩ, thiện nguyện viên, cực khổ lắm, tôi rất ngưỡng mộ các anh em”.Ca sĩ Công Thành và phu nhân ca sĩ Lynn (gốc ÚC) cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng có hân hạnh được hát cho chương trình ĐNH Cám Ơn Anh, đây là vinh dự rất lớn lao. Đến đây, không khí lúc nào cũng nóng bỏng. Mong chỉ mỗi vị chỉ cần đóng góp 1 dollar thôi, thì sẽ có hơn 1 triệu để gửi về cho TPB tại VN.“Một ngày có ý nghĩa và tinh thần mà tôi thấy đồng hương chúng ta dành cho TPB rất mạnh”.Lyn cho biết: “Lúc nào tôi hát cho người Việt Nam, tôi cũng rất thoải mái, tôi tự xem mình là người Việt Nam rồi”.
* Và những tấm lòng của khán giảBà Lê Thị Hoa (ngoài 80) ngồi trên xe lăn, đến dự ĐNH, nói: “Tôi là vợ lính VNCH, cựu quân nhân Huỳnh Thành Cơ, trung úy ngành quân vận, ông đã mất 10 năm nay, trong gia đình có người thân tham gia quân đội, nên tôi rất thông cảm những số phận thiệt thòi của các thương phế binh tại quê nhà”.Huỳnh Sandy: “Tôi có ba là cựu quân nhân VNCH, nên luôn luôn ủng hộ cho ĐNH. Dù kinh tế hiện nay khó khăn, nhưng tôi nghĩ khi mình dư dả thì sẽ giúp theo dư dả, còn khó khăn thì sẽ giúp theo khó khăn, vì tôi luôn mong muốn năm nào cũng đóng góp cho các anh”.Ông Đinh Trọng Liêm, nguyên là đại úy công binh chiến đấu tại Huế, đến từ Los Angeles: “Tôi chưa hề bỏ lỡ đại nhạc hội nào từ 1 đến 5. Tôi có rất nhiều người bạn thân bị thương tích vĩnh viễn, vẫn còn kẹt ở quê nhà, mỗi lần dự ĐNH như thế này là để tôi được nhớ lại bạn bè, người còn, kẻ mất, vì tôi may mắn hơn, đã qua được bến bờ tự do, và mình còn để lại bên bờ đại dương bên kia những người bạn, kẻ thì ở tù, kẻ thì tàn tật. Nhờ có ĐNH, để mình có cơ hội góp một số tiền để giúp cho người ta, đó là điều rất hạnh phúc, hân hạnh cho những người đến định cư tại đây”.Bà Kim Anh: “Tôi mới đến Mỹ định cư, và đây là lần đầu tiên tham dự chương trình này. Khi còn ở Việt Nam, tôi không biết về chương trình này, qua đây, tham dự từ nãy giờ, tôi xúc động lắm, vì đồng hương đi xa tổ quốc, mà vẫn không quên hướng về Việt Nam gửi về tình thương cho các TPBVNCH, có lòng hướng về Việt Nam, thương các anh chiến sĩ TPB. “Khi còn ở Việt Nam, tôi thường bắt gặp các anh TPB cụt chân tay, phải lặn lội đi bán vé số, vất vả lắm, rất tội nghiệp tôi cũng thường mua giúp cho các anh”.Trong khi chương trình ca nhạc được trình diễn trên sân khấu hơn 7 tiếng đồng hồ, đồng hương khắp nơi trên nước Mỹ, Canada xem trực tiếp truyền hình trên đài SBTN đã liên tục gọi về qua số điện thoại miễn phí để đóng góp tiền cho buổi gây quỹ.
Các ca sĩ sau khi trình diễn đã tận tình mang thùng lạc quyên đi xuống từng hàng ghế khán giả để xin tiền, do đó con số tiền giúp cho thương binh mỗi giờ mỗi lên cao qua sự tường trình của các MC.
Nhiều em bé cũng xin tiền bố mẹ đóng góp cho Thương Phế Binh, Cô Nhi, Quả Phụ VNCH trong Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 5 ngày 7-8-2011 tại Garden Grove - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông
Trên sân khấu, những lời hát ngọt ngào, da diết của các ca sĩ với cả tấm lòng và ý nguyện mong ước góp vào công việc gây quỹ giúp các Thương Phế Binh VNCH được nhiều thêm những niềm vui lấp lánh, bởi đằng sau những đồng tiền đóng góp là biết bao giọt mồ hôi, công sức nhọc nhằn của tuôn đổ trong lao động làm việc dành biếu tặng vô điều kiện cho các TPB, chứa đựng sâu xa tình nghĩa mến thương của mọi người.
Trong trái tim của người dân Việt tại Nam California và người Việt tị nạn theo dõi qua màn ảnh truyền hình, vào mỗi tháng Tám hằng năm đến, cảm giác lâng lâng thật khó tả. ĐNH “Cám Ơn Anh”, những lời phát biểu từ sâu thẳm trái tim, những tiếng hát tuyệt vời từ tấm lòng đẹp, những giọt nước mắt, những cái ôm, và cả những lời tâm tình cất giữ từ lâu chưa có dịp bật ra. Mọi người có một tháng Tám như thế trong đời.Tháng Tám mùa hướng về các TPB;Tháng Tám mùa tri ân;Tháng Tám mùa của những kỷ niệm và tinh thần ĐNH sẽ mãi được tiếp nối và duy trì mãi. - (BH)Đồng hương tiếp tục đóng góp cho Thương Phế Binh, Cô Nhi, Quả Phụ VNCH - chi phiếu bảo trợ xin đề: ĐNH Cám Ơn Anh kỳ 5.Gởi về địa chỉ: Đài SBTN, P.O. Box 127 Garden Grove, CA 92842.hay Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP, P.O. Box 25554 Santa Ana, CA 92799.