Du Tử Lê
Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, khi các mặt trận ở miền Nam Việt Nam đi tới cực độ tổn thất xương, máu, khi mỗi tấc đất miền Nam là một giải khăn tang, như ý thơ của Lâm Hảo Dũng, thì, sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam cũng bước tới cực điểm phồn thịnh. Nếu lãnh vực âm nhạc, mang lại cho miền Nam một số gương mặt mới, như Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Song Ngọc,... thì, lãnh vực văn chương cũng mang lại cho miền Nam một số cây bút thuộc thế hệ sau điểm mốc di cư 1954, như Thế Uyên, Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Phan Nhật Nam, Nguyễn Bắc Sơn, vân vân.
Tùy từng góc nhìn với những cảm nhận riêng tư, mỗi tác giả hiện ra, như một nạn nhân, đồng thời, chứng nhân của cuộc chiến.
Tuy nhiên, trong số những nhà văn phản ánh thời điêu linh đổ nát tận cùng này, Phan Nhật Nam là chiếc bóng tách biệt với số đông vì ông chọn con đường bút ký chiến tranh. Ngay tự tác phẩm đầu tay “Dấu Binh Lửa” in năm 1969, Phan Nhật Nam đã mang lại cho thể văn ký sự một kích thước khác, một linh hồn khác.
Ðó là kích thước của những sự kiện được ghi nhận từ tâm cảnh và tâm cảm. Ðó là sự lên tiếng một cách dõng dạc, đâu đó cho vong linh những người lính miền Nam đã chết cho tổ quốc, cho lý tưởng tự do của họ.
Với những tác phẩm kế tiếp, như “Dọc Ðường Số Một,” rồi “Ải Trần Gian” in năm 1970; “Dựa Lưng Nỗi Chết” in năm 1971, “Mùa Hè Ðỏ Lửa” in năm 1972, “Tù Binh và Hòa Bình” in năm 1974... Phan Nhật Nam, bằng trang giấy, ngòi bút và tình yêu ngùn ngụt lửa ngọn dành cho quân đội, đồng đội của mình, ông đã không ngưng nghỉ trong những trường khúc ngậm ngùi làm thắt xót ruột gan người đọc, kêu đòi thế giới trả lại danh dự, nhìn nhận chỗ đứng của những người lính miền Nam Việt Nam, trong cuộc chiến tự vệ và bảo vệ tự do của nửa phần tổ quốc Việt.
Mỗi dòng chữ ông viết xuống, mỗi thước đường quê hương ông đã đi qua, mỗi người lính ông đã gặp gỡ, đã vĩnh biệt, đều được ông ghi, nhớ với tất cả rực rỡ của lòng biết ơn chân thành, tinh thần cảm phục nghiêm cẩn - Như thể ông được sinh ra để nhắc nhở mọi người, dù ở đâu, bên này hay bên kia chiến tuyến, cách gì thì, tổ quốc Việt Nam cũng đã có những người con như vậy.
Với tài năng và trái tim nhạy cảm của mình, họ Phan đã nâng cấp thể văn bút ký, vốn từ vị trí khiêm tốn trong bậc thang giá trị văn học, trở thành một thể văn có giá trị ngang tầm với tiểu thuyết, truyện ngắn, chí ít cũng trên phương diện hơi thở của chủ, nghĩa, dữ kiện. Những mảnh đời nóng bỏng thịt, xương chiến địa, những hoạt cảnh chiến tranh đẫm, dầm tình yêu tổ quốc của những người lính miền Nam Việt Nam, nơi những ngòi bút tường thuật tầm tầm, chỉ có thể mang lại cho nó tính chất phóng sự thời cuộc. Hời hợt.
Nhưng, qua ngòi bút Phan Nhật Nam, không chỉ máu, xương người lính, không chỉ cảnh tượng chiến trường mà ngay tới những ngọn cỏ, những cục đất, những viên đá, những lũy trẻ, ngọn cau... cũng có được cho nó một sự sống, một linh hồn, một khát khao sinh tồn tới ngậm ngùi, tội nghiệp,...
Theo tiểu sử do chính ông phổ biến thì, Phan Nhật Nam Sinh năm 1943 tại Thừa Thiên, chánh quán làng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là cựu học sinh trường Phan Chu Trinh, Ðà Nẵng, ông tốt nghiệp khóa 18 Võ Bị Ðà Lạt, cựu sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, 14 năm lính, 14 năm tù cải tạo, trải qua 14 hầm cấm cố tử hình nơi các trại tù từ Nam ra Bắc, năm 1989 ông mới được tạm tha.
Nếu trước biến cố tháng 4, 1975, văn chương Phan Nhật Nam là ngọn lửa ngùn ngụt của tình yêu đồng đội, tình yêu đất nước, thì, những năm tháng trong tù, theo lời kể của nhiều bạn tù thì, họ Phan lại là một trong những ngọn lửa nêu cao danh dự, tinh thần bất khuất của người lính và, cũng là kẻ sĩ miền Nam.
Cuối năm 1993, rời khỏi đất nước trong chương trình H.O., Phan Nhật Nam lại tiếp tục cống hiến cho cuộc đời, cho Việt Nam những tác phẩm như “Những Chuyện Cần Kể Lại,” viết về khổ nạn Việt Nam không dấu hiệu chấm dứt, kể từ tháng 3, 1975, “Ðường Trường Xa Xăm” “Tâm Bút Của Người Luôn Trên Ðường Ði” - Cả hai cùng được in trong năm 1985. Rồi tới thi phẩm “Ðêm Tận Thất Thanh” in năm 1997” - Là những bài thơ họ Phan viết giữa vũng tối với đêm không cùng của hơn hai mươi năm (1975-1993) nơi các trại tù Long Giao, Long Khánh, Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa; và “Mùa Ðông Giữ Lửa” bút ký sau ba năm ở quê người...
Dù ở điểm đứng văn chương nào, bút ký hay tiểu luận; thi ca hay tâm bút, người đọc vẫn thấy tính-chất-người-lính trong chữ nghĩa của ông. Hoặc như ông luôn tự nhận ông là “người lính viết văn.”
Với tôi, đó là một Phan Nhật Nam bất biến. Một Phan Nhật Nam nghẹn ngào trên mọi cảnh thổ, mọi đèo, dốc ngặt nghèo của dân tộc và, đất nước.
Dù đứng ở điểm đứng văn chương nào, giữa quê cha, trong lao tù, hay phơi phới tự do, quê người, người đọc vẫn thấy được một Phan Nhật Nam nhất quán với ngọn cờ phục hồi danh dự người lính miền Nam. Khản giọng khẩn thiết kêu, đòi mọi người phải mãi nhớ, phải biết ghi ơn những người đã nằm xuống cho những giá trị nhân bản muôn đời; dù cho hôm qua, họ là những kẻ thua trận. Ngay cả khi những kẻ thất trận kia, những kẻ nằm xuống nọ, đã không có được một nấm mồ, một bia mộ.
Tùy từng cảm nhận, tùy từng vị trí, tùy từng tâm cảnh mỗi cá nhân, trong hạn hẹp, phù du một kiếp, người ta có thể đồng ý, hoặc không đồng ý với Phan Nhật Nam. Nhưng bằng vào đòi hỏi công bình, khách quan tối thiểu, khó ai có thể phủ nhận tài năng, nhân cách Phan Nhật Nam. Như thể, người ta không thể phủ nhận cuộc chiến miền Nam, hai mươi năm. Bởi vì, đứng trên mọi chủ nghĩa, mọi lý thuyết, mọi chế độ, trước nhất, Phan Nhật Nam là một người Việt Nam. Kế đến, ông là một người lính. Một người lính, dù thất trận, dù đã phải buông súng, đã tù đày, nhưng chẳng vì thế mà ông quên ông là một người lính, một người lính của miền Nam Việt Nam.
Ðúng hơn, ông là người lính tiền phong của tổ quốc Việt. Cũng như trong văn chương, vì tấm lòng yêu quân ngũ, yêu đồng đội, thiêng liêng như mối tình đầu, nên đôi khi có những sự kiện, những nhân vật trong ký sự của ông được tiểu thuyết hóa phần nào... Nhưng, với tôi, ông vẫn là chiếc bóng lớn của thể văn bút ký chiến trường, 20 năm miền Nam, điêu linh.
Nhờ ông, mà thể văn này được nâng cấp. Ông cho nó một kích thước, một linh hồn khác.
No comments:
Post a Comment