Monday, March 20, 2017

Nhìn lại mình sau 42 năm tỵ nạn, từ tháng 4-1975

Lời phi lộ: Mỗi lần, tháng Ba hay tháng Tư về là những hình ảnh xa xưa của năm 1975 sống lại trong tôi. Nếu tôi ghé Ban Mê Thuộc thăm người thân như Má tôi nói qua phôn khi vừa có mặt tại Sài Gòn vào cuối tháng Hai năm 1975 thì có lẽ tôi đã kẹt ở đó, nếu thiếu may mắn có thể đã … khi thành phố Ban Mê Thuộc thất thủ, không như cô em tôi tình cờ quen gần đây qua FB/Internet nói (đùa là) biết đâu chúng ta gặp nhau trên đại lộ kinh hoàng!. Về miền Trung được vài ngày thì Việt cộng đã đánh đến ngoại ô cách thị xã nơi gia đình tôi ở chỉ 7 hay 8 cây số. Đêm đêm đại bác của VC bắn vào thành phố, có lần nổ tung cách nhà tôi chừng 500 mét. Tình hình quá căng thẳng, tuy chưa thăm hết bạn bè, người quen nhưng vâng lời Ba Má nên tôi vào lại Sài Gòn và tùy cơ ứng biến. Rồi vùng I di tản, sau đó đến cao nguyên vùng II. Chính tôi đã thấy rõ những hình ảnh đau thương đồng hương dìu nhau trốn chạy Việt cộng!. Gia đình tôi cũng bỏ hết tất cả theo chân đoàn ngưòi di tản vượt gần 800 cây số vào Sài Gòn tá túc bà con, chờ xem tình hình…Ba tôi là người đi sau cùng và lần cuối hai cha con gặp lại nhau sau khi vùng 2 chiến thuật mất. Lúc gặp ở Sài Gòn, Ba tôi chỉ hỏi một câu thật ngắn gọn: “sao con chưa đi cho rồi còn chần chờ chi nữa (sic)”. Đó cũng là lần chia tay cuối cùng với Ba tôi. Hôm sau tôi bay về lại Đức và chấp nhận kiếp sống lưu vong từ đó. Cám ơn Thượng Đế vì thú thật nếu kẹt lại ở SG/VN chắc trước sau tôi cũng tìm cách vượt biển như bạn bè, bà con và trong trường hợp này chẳng biết số phận mình sẽ ra sao?.


Photo Courtesy: Internet 
Nhân mùa Quốc Hận 2017, tôi – một người tỵ nạn chính trị vì cộng sản – xin ghi lại vài ý tưởng chợt về sau 42 năm sống tha phương, “ăn nhờ ở đậu”. Là một đoản văn tự thuật nên không sao tránh khỏi đề cập đến “cái tôi đáng ghét”, mong quý độc giả thông cảm!. Ngoài ra, nếu quan niệm rằng người Việt tỵ nạn hay “boat people” vàng thau lẫn lộn, vì không phải ai cũng giống ai sau khi ổn định đời sống ở quốc gia nào đó thì giới cựu sinh viên VNCH ở Đức nói riêng cũng thế – (có điều khác biệt rất lớn là tổng số sinh viên (SV) tính cho đến 30.4.1975 trên toàn Tây Đức lúc đó chưa đến một ngàn năm trăm SV nên SV nào “yêu nước” hay những gì xảy ra sau 30.4.75 chúng tôi đều biết !) – vì vậy nhận định thế nào tùy độc giả. Riêng tôi vì thời giờ hạn hẹp, có nhiều việc hữu ích để làm nên sẽ không tranh luận với bất cứ ai khác quan điểm nhưng diễn đạt tư tưởng với lối văn phong khiếm nhã, thiếu cơ sở. Chỉ lưu ý điều căn bản, biết hãy nói còn không đề nghị tốt nhất nên im lặng !. Chẳng lẽ ai đó ở xứ Maroc, đến sau không là người trong cuộc biết rõ SV ở Đức hơn chúng tôi ?. (LNC_S-Ger).
* * *
Thắm thoát mà tôi đã xa quê hương, xa Việt Nam mến yêu 42 năm, kể từ đầu tháng Tư 1975 oan nghiệt !.

Bốn mươi hai năm trôi qua nhanh như thoi đưa, như là một giấc mơ khi nhìn lại mình giờ đây tóc đã bạc nhưng so với nước Đức là nơi tôi đang định cư với tư cách một người tỵ nạn chính trị thì nghiệt ngã, buồn đau, áp bức, tù đày … vẫn còn hiện hữu trên quê hương mặc dầu “Việt Nam (VN) đã thống nhất từ 1975”, 15 năm trước nước Đức!
Bốn mươi hai năm rồi mà người Việt đi vẫn đi, tuy không còn bằng cách vượt biển hay vượt biên như sau 30-04-1975 nhưng đồng hương cũng đã tìm ra nhiều cơ hội khác để “rời Việt Nam” qua diện đoàn tụ gia đình (vợ, chồng, con cháu) hay kết hôn với người nước ngoài, miễn làm sao rời xa được nơi mệnh danh là “thiên đàng xã hội chủ nghĩa”, trốn khỏi được cái “thiên đàng cộng sản” là mừng như một lần được hồi sinh; trong khi đó ngược lại thì dân Đông Đức (DDR) chẳng thấy ai trốn chạy vì Cộng Hoà Liên Bang Đức (BRD) đã làm chủ một Đức quốc thống nhất sau khi cộng sản DDR bị giải thể.
Người dân Đông Đức sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ chẳng những không lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rún mà trái lại họ còn ở lại, vượt qua bao nhiêu khó khăn để cùng nhau nổ lực xây dựng một nước Đức hùng cường, tự do, dân chủ. Khác với Việt Nam, biến cố Thống Nhất Đất Nước của Đức hầu như không đổ một giọt máu nào của đồng bào vô tội cả !.
Đức không tiêu hủy hàng triệu tài nguyên trí tuệ và nhân lực của „Quốc Gia Dân Tộc“ trong những trại tù khổ sai ‘‘học tập cải tạo“ và cũng không để lại các tệ nạn xã hội xấu xa tiêu biểu nhất của thế kỷ mà vẫn giữ được sự vẹn toàn lãnh thổ và đã xây dựng một xã hội ôn hoà, nhân bản đầy tình yêu thương đồng loại. Vì vậy 27 năm sau khi thống nhất cả thế giới đang nhìn nước Đức với lòng thiện cảm và đầy khâm phục.


Photo Courtesy: Internet 
Chừng đó thôi cũng đủ để chứng minh một cách rõ ràng rằng những ai từng yêu chuộng Tự Do đều không thể sống dưới chế độ cộng sản gian manh, tàn bạo. Minh chứng cho sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản cách hùng hồn nhất là sự sụp đổ của cộng sản Đông Đức cũ, của cả khối cộng sản Ðông Âu và tiếp theo là đàn anh Nga Sô vào cuối thập niên 1980!
Hôm nay tôi chỉ muốn ghi lại đây vài ý tưởng chợt thoáng về liên quan chút ít đến cuộc đời tỵ nạn của mình và xin được nói sơ về “cái tôi đáng ghét” qua bài tạp ghi ngắn này!. Là một bài đoản văn mang tính cách tự thuật nên chắc chắn khó tránh khỏi được cái nhìn chủ quan có thể làm phật lòng ai đó qua sự diễn đạt tư tưởng trung thật của mình, vì thế mong tất cả độc giả hoan hỉ cho !.
Tôi nói riêng đã may mắn đón nhận được rất nhiều “tình cờ” trong cuộc đời. Ngẫu nhiên đầu tiên là dù không bao giờ nghĩ đến nhưng … tôi đã được phép của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thời đó cho xuất dương du học sau khi xong Tú Tài II, giữa lúc quê hương ngập chìm trong binh lửa trước tham vọng cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam (NVN) do cộng sản miền Bắc chủ xướng với sự giúp đỡ về mọi mặt của Nga, Tàu và khối cộng sản quốc tế nói chung!.
Đầu tháng 03-1975 tôi về thăm quê hương và gia đình nhưng lúc ấy chiến trường VN sôi động, người dân miền Nam bối rối, lo âu nên tôi đành phải rời VN sớm hơn dự tính. Lại thêm một “tình cờ” nữa, tôi may mắn đã rời Sài Gòn vào đầu tháng 04-1975, vì vài tuần sau đó, Nam Việt Nam thất thủ. Nếu không chắc tôi cũng sẽ phải chọn đường vượt biên hoặc vượt biển như bao đồng hương khác, sau 30-04-1975.
Xin mở ngoặc ở đây để nói sơ về đời sống của sinh viên ở Đức. Sau tháng Tư đen 75, trong khi “sinh viên thiên tả thuộc hội Đoàn Kết (VK yêu nước !)” có Tòa đại sứ hay lãnh sự quán “đỡ đầu” thì sinh viên có lập trường Quốc gia thật sự bơ vơ vì chính quyền đã mất. Từ vấn đề thông hành cho đến tài chánh gặp rất nhiều khó khăn, hoàn cảnh của người sinh viên sau 30.04.1975 càng thê thảm hơn, nhất là các đợt sau cùng đến Đức. Đời sống của sinh viên du học thời Việt Nam Cộng Hòa sau khi Nam VN thất thủ hoàn toàn bị đảo lộn. Thành phần thuộc con nhà giàu hay nói đúng hơn thành phần lè phè hưởng thụ gặp nhiều khó khăn hơn vì đa số họ ỷ lại và sống nhờ vào đồng tiền cha mẹ gởi sang. Nhiều sinh viên thật sự khủng hoảng vì sự ngưng viện trợ từ cha mẹ “ xảy ra quá đột ngột. Chỉ có những sinh viên vốn đã quen tay lấm chân bùn xoay trở tương đối dễ dàng hơn kiếm tiền học tiếp cho đến khi ra trường, bởi vì hầu hết chẳng có ai có học bổng hay trợ cấp Bafoeg gì đâu như giới anh em trẻ đến Đức tị nạn sau này. So với giới sinh viên thời VNCH ngày xưa thì đây cũng là cái may mắn của những bạn trẻ đến sau. Điều kiện sống, nhất là về phương diện tài chánh và tinh thần khá đầy đủ, chỉ còn chuyện lo cho tương lai, học hành mà thôi. Mừng dùm cho các bạn!. Chúng tôi – sinh viên du học thời VNCH – vào đầu thập niên 80 đôi khi bị NVTN “chỉ trích là thành phần con nhà giàu hay con ông cháu cha” nhưng cũng chỉ biết cười ghi nhận vì họ đâu có hiểu hoàn cảnh khó khăn của chúng tôi từ cư trú, học hành cho đến tài chánh. Tuy nhiên nếu so sánh với thành phần đi du học ở Đức nói riêng từ thập niên 80 trở đi thì sinh viên thời VNCH thua rất xa. Không những số sinh viên do csVN gởi đi nhiều hơn 10 lần mà họ thừa tài chánh để mua xe hơi sang trọng hay nhà cửa ở, đâu phải như chúng tôi thời đó đi “xe có tài xế lái” hay lộc cộc với chiếc xe đạp cũ kỹ !. Sao không trách họ đi (?) nếu khách quan so sánh. Nhưng đa số sinh viên thời VNCH dù vất vả với cuộc sống đều tốt nghiệp, có công ăn việc làm, hội nhập tốt và tôn trọng luật pháp Đức không vướng vào những “tệ trạng” nên được dân Đức kính nễ. Rất tiếc sự nễ vì này mất đi nhiều kể từ sau 1990 qua các tin tức “phạm pháp” của người Việt đến từ DDR, khối Đông Âu sau khi “thiên đàng cộng sản bị sụp dổ” đăng hàng tuần trên báo hay chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên đài truyền hình do một số “người Việt mới đến” gây ra (quý độc giả có thể tìm thấy tài liệu, bài viết bằng Đức+Việt ngữ lưu trữ trên qua google).
Có thể nói cuộc đời của những du học sinh thời VNCH như tôi trải qua khá nhiều truân chuyên từ dạo ấy, sau tháng Tư đen 1975, từ khi cộng sản Bắc Việt thống trị Nam Việt Nam. Khác với quyết định đi tìm Tự Do, đi tìm sự sống trên cái chết qua hình thức vượt biên vượt biển của đồng hương sau 1975, chúng tôi may mắn hơn, đơn thuần chỉ phải chọn lựa một trong hai: về Việt Nam hay ở lại nước ngoài. Nếu quyết định về VN thì phải cúi đầu phục tùng nhóm sinh viên đoàn kết và toà đại sứ Việt Cộng. Còn ngược lại nếu quyết định ở lại nước ngoài thì phải chấp nhận xa quê hương, xa gia đình, bạn bè anh em và không biết khi nào mới gặp lại !.
Cuối cùng, riêng tôi đã có một quyết định là “xin tỵ nạn chính trị”, dù tuổi và kinh nghiệm đời của mình lúc đó chẳng là bao. Cũng không phải là những người từng phục vụ trong quân đội hoặc tham chính thời VNCH; chưa từng bị cộng sản bắt bớ giam cầm hay đã „bị tra tấn dã man và nếm mùi học tập cải tạo của cộng sản“ nên muốn được “hưởng quy chế tỵ nạn” những sinh viên du học VNCH phải chứng minh cho chính quyền Đức lúc đó rõ lý do là tại sao không muốn hồi hương v.v… Trong thời gian chuyển tiếp kể từ khi nộp đơn chúng tôi từ những người tuy có quốc gia, gia đình bỗng nhiên trở thành những kẻ “vô tổ quốc” vì đã nhận được sổ thông hành mang tên như vậy. Cơ quan hữu trách Đức cứu xét hồ sơ xin tỵ nạn khá lâu, có người chờ đến 2-3 năm nhưng cuối cùng tôi đã nhận được sổ thông hành tỵ nạn.
Điều làm chúng tôi đau lòng nhất là trong sổ thông hành tỵ nạn này có ghi câu “được phép đi khắp nơi, nhưng trừ Việt Nam”, nơi mình sinh ra và lớn lên. Vâng, điều kiện tỵ nạn là vậy vì dễ hiểu thôi, đã viện dẫn “gặp khó khăn với nhà cầm quyền cộng sản” để xin tỵ nạn thì thật là quá mâu thuẩn nếu mình về Việt Nam và lại ra đi an toàn phải không?. Khó khăn ban đầu sau 30-04-1975 xem như đã vượt qua, được chỗ tạm dung. Chưa hết, vấn đề sinh kế cũng làm chúng tôi xính vính một thời gian khá lâu khi mà tình trạng kinh tế ở Đức và trên thế giới lúc bấy giờ đang bị khủng hoảng trầm trọng.


Photo Courtesy: Internet 
Có lẽ thánh nhân đãi ngộ nên tôi đã đón nhận thêm sự ngẫu nhiên, may mắn khác trong hoàn cảnh lúc đó sau khi cầm sổ thông hành tỵ nạn trong tay. Được thâu nhận vào làm việc thuộc phần hành “nghiên cứu và phát triển, trọng điểm là phát triển” cho hãng rất nổi tiếng trên thế giới sau khi tốt nghiệp kỹ sư bậc cao học (Dipl.-Ing. TU (TU: Technische Universitaet = University of Technology) nên tôi nói riêng cảm thấy an tâm từ đó nhưng buồn ray rức vì nỗi nhớ nhà và tủi thân cho kiếp sống tha hương, ăn nhờ ở đậu của mình. Tôi như con chim lạc đàn, trong thức ngủ vẫn ước mơ có ngày tìm về tổ ấm. Với thông hành tỵ nạn, chúng tôi nói chung được quyền sống và đi làm như dân bản xứ, chỉ khác điều là không được phép bầu cử.
Hình: Cảnh vượt biển tìm Tự Do của người Việt
Cuối thập niên 70, phong trào tỵ nạn lên cao. Người Việt được thâu nhận vào Đức rất dễ dàng mà không phải qua những thủ tục rườm rà hay khó khăn như chúng tôi trước đó. Ai thuộc diện “boat people” tự động được cấp thông hành tỵ nạn khi đến Đức, không cần cứu xét gì cả. Thỉnh thoảng gặp đồng hương thuộc diện này chúng tôi có trò chuyện. Hết kể những cuộc vượt biên vượt biển thật hãi hùng thì họ lại xoay qua than chuyện khó khăn về hội nhập hay khi học tiếng Đức… Đôi khi họ đề cập đến chuyện nhập tịch, viện dẫn có quốc tịch đi đó đây làm việc dễ dàng hơn. Tôi chỉ nghe và ghi nhận. Khi được hỏi thì tôi cũng chỉ trả lời là vẫn còn mang sổ thông hành tỵ nạn dù ở đây lâu gấp mấy lần cũng như thường hay đi nước ngoài vì lý do nghề nghiệp thời đó. Thú thật, đã nhiều tôi lần đi công tác Hoa kỳ, Bắc Âu, Pháp, Áo, Ý cho hãng hay đi thăm thân nhân ở Úc, Mỹ, Anh nhưng ít gặp trở ngại, chỉ tội mất thì giờ chờ lâu hơn tại các phi trường so với những ai có quốc tịch Đức mà thôi.
Thế rồi những đồng hương qua sau tôi lần lượt xin nhập tịch Đức. Riêng tôi vẫn giữ sổ thông hành tỵ nạn cho đến năm 1994. Thêm một tình cờ khác làm tôi thay đổi ý định và … xin vào quốc tịch xứ người, một quyết định không đơn giản sau nhiều đêm dài trằn trọc suy nghĩ.
… Số là trong chuyến công tác đi miền Nam nước Pháp cho hãng vào cuối Hè 1993, tôi gặp trở ngại ngay tại phi trường. Bạn đồng nghiệp ra ngoài cỗng đứng chờ còn tôi vì thấy trong thông hành tỵ nạn để quốc tịch Việt Nam nên nhân viên kiểm soát ở phi trường nghi ngờ, lý do Pháp “đón nhận bất đắc dĩ người Việt sang Pháp không hợp lệ” và họ tìm cách định cư tại đó. Phải giải thích khá dài dòng, nói là có vé máy bay khứ hồi, ngủ ở khách sạn do hãng giữ chỗ v.v… thì họ mới bằng lòng cho đi. Mấy người bạn Đức thấy vậy chọc quê quá xá nên sau đó …. tôi mới có ý định xin nhập tịch Đức, nộp đơn vào cuối năm 1993.
Nói đến đây cho tôi vòng vo thêm một tí. Hoàn thành đủ thủ tục giấy tờ đòi hỏi từ phía Đức đem nộp thì được nhân viên chỉ cho đống hồ sơ trước mặt và nói, hồ sơ ông hôm nay nằm dưới cùng. Đến khi được duyệt xét chắc cũng nửa năm sau. Nghe vậy tôi giật mình. Hỏi thêm thì bà nhân viên mách nước phải làm thế này thế kia thì may ra được ưu tiên hơn. Tôi xin hãng cấp cho giấy phải công tác ngoại quốc nên nộp vào thì hồ sơ tôi không còn nằm hạng chót nữa. Lại thêm một ngẫu nhiên tốt đến với tôi. Chưa hết. Cái khó khăn mà tôi phải đương đầu giải quyết là việc phải nộp cho chính quyền Đức giấy từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Thế là một cuộc bút chiến xảy ra giữa tôi và bộ nội vụ tiểu bang Bayern (Bavaria) liên tục trong vài tháng. Mặc dù tôi đã viện dẫn không liên hệ gì hết với toà đại sứ Việt cộng từ 30-4-1975 nhưng chẳng nhằm nhò gì, nhân viên hành chánh Đức phụ trách vẫn khư khư nói, bây giờ Việt Nam đã cấp giấy thôi quốc tịch rồi, không có không được.
Thế là tôi đành cắn răng viết thư cho toà đại sứ Việt cộng. Tuy nhiên tôi nghịch ngợm nên viết thư toàn bằng tiếng Đức với nhân viên sứ quán. Có lần điện thoại lên hỏi sự việc đến đâu sau hơn 6 tháng chờ đợi thì họ nói “vòng vo” làm tôi cảm thấy khó chịu nên cuối cùng tôi viết thư (cũng bằng tiếng Đức) lên cho biết VÌ chính quyền ĐỨC yêu câù chứ thật ra tôi chẳng muốn liên hệ gi cùng quý vị cả và nếu không cho tôi thôi quốc tịch thì trả lời cho biết qua thư. Một bản sao (Copy) tôi gởi cho bộ nội vụ Đức để kính tường vì trong trường hợp như vậy tôi sẽ được nhập tịch mà không cần nộp giấy chứng minh thôi quốc tịch VN. Chắc thấy tôi quá cứng rắn quá nên vài tuần sau tôi nhận được giấy từ bỏ quốc tịch, dễ hiểu thôi … vì nếu không cấp thì tòa đại sứ mất toi hơn hai ngàn Đức Mã là lệ phí mà tôi phải trả cho cái giấy từ bỏ quốc tịch VN, một số tiền không nhỏ (thời đó) !.
Trong thời gian chờ đợi giấy tờ từ toà đại sứ Việt cộng tôi được giấy chấp nhận cho phép nhập tịch Đức. Nộp thêm chứng minh thư cho thôi quốc tịch VN là tôi được gọi ra nhận sổ thông hành Đức ít lâu sau đó. Xứ tôi ở không rườm rà như các quốc gia khác, làm lễ rình rang khi nhập tịch. Ra sở ngoại kiều ký giấy nhận sổ thông hành, nộp pass tỵ nạn cũ và nhận thông hành Đức là xong, sau khi trả lệ phí cho sở ngoại kiều mà nếu tính ra thì quá rẽ, chỉ bằng 1/10 số tiền phải đóng cho toà đại sứ Việt cộng để có được giấy từ bỏ quốc tịch Việt Nam!.
Một điểm khác xin nói thêm nhờ theo học Đại Học Đức và ở đây trên 15 năm (theo luật thời đó) nên tôi khỏi phải thi khoá Đức ngữ thành ra tiết kiệm được thêm chút ít tài chánh.
Vậy là tôi, một kẻ da vàng tóc đen, mũi tẹt trở thành công dân Đức từ giữa năm 1994, sau 26 năm kể từ khi tôi đặt chân đến xứ Đức lạnh lẽo này. Có thể nói chỉ trên giấy tờ vì ra đường dưới con mắt của người dân bản xứ chúng tôi vẫn là một người ngoại quốc dựa theo màu da và hình dáng, không hơn không kém.
Thời gian cứ thế mà trôi, đời sống của tôi tại Đức thật sự chẳng có gì thay đổi, chỉ khác là đã đi bầu nghị sĩ quốc hội, nghị viên tiểu bang và đại diện làng xã được vài lần trong suốt hơn 22 năm qua, kể từ khi tôi mang quốc tịch Đức. Tôi đã đi làm như bao người khác, thi hành đúng bổn phận „ một người Đức mới “ và cảm thấy mình đang chia sẻ với dân bản xứ, với quốc gia đã và đang cưu mang mình!.
Thỉnh thoảng gặp lại đồng hương, những người vượt biên, vượt biển trước đây và tuy đến sau nhưng đã nhập tịch Đức trước (chúng) tôi thì tôi nhận thấy có nhiều thay đổi. Họ đi lui tới về VN với nhiều lý do …, những lý do giải thích mà mọi người – trừ những ai thiếu may mắn đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự Do – đều có thể sử dụng trong trường hợp “về thăm quê hương”. Có người gặp tôi lần đầu biết là thành phần đi du học thời VNCH hỏi anh về VN chưa, nói VN giờ thế này thế kia … tôi chỉ cười nói chưa, dù có đủ khả năng. Nghe vậy họ nhìn… rồi đổi sang đề tài khác. Một lần, gặp vài người quen trong giới tỵ nạn hỏi: sao anh có xin Visa về VN, được cấp chưa v.v… tôi tỉnh bơ trả lời: “tôi đâu có bao giờ liên hệ với sứ quán Việt cộng để xin chiếu khán (Visa) đâu mà chờ với đợi, mà cho với không cho …”!.
Vâng, 42 năm rồi kể từ khi đặt chân tại Sài Gòn lần cuối hay đúng hơn kể từ khi tôi “trốn chạy vào đầu tháng Tư 1975” trong chuyến về thăm gia đình với dự tính ở lại ba tháng để đi thăm bà con, bạn bè từ Sài Gòn ra Huế mà tôi đã có lần sống suốt cả mùa nghỉ hè sau khi thi đậu Trung Học thì tôi đã để lại quê hương yêu dấu của mình đàng sau lưng từ dạo ấy. Tôi nói riêng đau buồn, cam tâm chấp nhận kiếp sống lưu vong, chôn chân xứ người, làm thợ khách và hiện tại nghỉ hưu sau khi xin về hưu non sau hơn ba thập niên kéo cày.
Tuy nhớ nhung muôn vàn Việt Nam quê tôi nhưng chỉ biết ngậm ngùi thương nhớ, vẫn hằng ước mong một ngày về mà VN thật sự có đầy đủ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Tôi nghĩ mình không thể nào cam tâm cúi đầu xin phép để được du lịch, để được cho phép về thăm quê hương của chính mình trong hoàn cảnh hiện tại mà chắc chắn tôi sẽ phải tự hổ thẹn với lương tâm nếu tôi làm việc này bởi vì một khi mà tôi với hơn 25 tuổi đầu, có thể nói là quá trưởng thành đã quyết định xin tỵ nạn, xin chọn nước Đức làm quê hương thứ hai và lý do được nêu ra rất rõ ràng: “vì tôi không chấp nhận chế độ cộng sản”.
Tôi chẳng phải là đứa bé lên năm!. Một đứa bé chừng ấy tuổi nếu ai đưa cho nó hai miếng bánh chắc chắn nó sẽ tự chọn cái nào thấy ngon hơn. Khi chọn lựa cho mình „ con đường để đi “ sau 30-04-1975, xin tỵ nạn chính trị ở Đức “, tuy còn quá trẻ, chỉ mới hơn 25 tuổi và vừa tốt nghiệp Đại Học xong nhưng chẳng ai ép bắt tôi phải làm theo ý họ mà do tôi muốn !.
Vâng, chính tôi đã phải có một sự lựa chọn dứt khoát. Tôi đã bỏ, để lại sau lưng mình tất cả để chọn cho cuộc đời mình hai chữ „ TỰ DO “! .
Bút mực còn đó, giấy tờ và chữ ký quả quyết rằng đã khai đúng sự thật khi nộp đơn xin tỵ nạn còn đó. Tôi không thể nào dối lòng, dối mình được !.
Nhìn lại mình, thì tôi, một cựu du học sinh thời Việt Nam Cộng Hoà không hổ thẹn gì hết. Tôi quan niệm rất thực tế: “Đất lành chim đậu” và chỉ thắc mắc, tại sao “đất lành” (theo họ sau khi du lịch VN!) vậy mà sao “chim” lại vẫn mãi vỗ cánh bay chưa chịu làm tổ để đậu ??.
Tôi nói riêng – trừ thân nhân và bạn bè – không bị VC cầm tù hay hành hạ trong các trại tù mệnh danh với mỹ từ là trại “cải tạo” nhưng vẫn chưa hề một lần du lịch Việt Nam trong suốt hơn bốn thập niên qua (dù chẳng giàu có gì nhưng có thể nói chuyện mua vé máy bay không phải là trở ngại. Vì ” tự trọng” nên tôi không thể nào dối lòng, dối mình được !). Tuy ngày đêm vẫn luôn thiết tha mơ ước được dịp “Tung cánh chim tìm về tổ ấm” nhưng rất tiếc đến nay tôi vẫn còn là một con chim lạc đàn, đang tha phương và vẫn còn giữ vững tư cách của người tỵ nạn chính trị sau 42 năm đổi đời, theo đúng nghĩa của nó vì đã không chấp nhận chế độ chuyên chính vô sản sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam tự do, nơi tôi sinh ra và lớn lên nên đành tạm thời „ Xin Chọn Nơi Này (nước Đức) Làm Quê Hương !”.
* © Lê-Ngọc Châu_(Nam Đức, Trung Tuần tháng Ba 2017

No comments:

Post a Comment