Friday, February 13, 2009

THÁNG 4: TRANG NHẬT KÝ VỚI NỖI BUỒN CÒN NGUYÊN VẸN


(Tình cờ đọc được sau một trang sách cũ).
Hoa Hoàng Lan chép lại.
“Trời Saigon, cuối tháng 4 năm 1975. Vẫn bầu trời xanh này. Vẫn không gian này, nhưng mọi thứ như có vẻ gì khác lạ. Thấy khác nhưng không biết vì sao. Chỉ biết rằng mọi người đều đăm chiêu, hối hả, vội vã như nhau. Cái gì đã tạo nên cơn sốt vội vã này? Có phải vì làn sóng người di tản từ các nơi trên đất nước đổ về Saigon không? Có phải vì tôi là một cư dân mới lạc lõng nhập cuộc vào nhịp sống hối hả của thị dân Saigon không? Có phải vì khi rời khỏi miền Trung trong một cơn hoảng hốt, tháo chạy tới Saigon, tôi đã thất vọng, vì cứ đinh ninh rằng Saigon sẽ là miền đất lành, đầy nắng ấm và đầy thanh bình, một vùng đất được coi là pháo đài kiên cố, để người dân chống Cộng gìn giữ mảnh đất quê hương thoát khỏi bàn tay đẫm máu của kẻ xâm lăng phương Bắc không? Tôi tự đặt ra một chuỗi câu hỏi, nhưng tôi đã không trả lời được, vì trong tôi, đang rối bời một nỗi hoang mang khó tả: tôi phải làm gì, và sẽ ra sao trước cơn binh biến này?
Nước mắt tôi nhạt nhòa, đổ dài trên đôi má trong nắng gió Saigon. Đôi chân tôi vẫn đặt hờ trên pê-đan xe đạp. Tôi cứ đạp, nhẩn nha đạp và vô cảm đạp, mặc cho những xe gắn máy đang ồn ào vút nhanh bên tôi. Ai cũng vội vã cả, nhưng tôi thì không. Vì tôi không có việc gì để vội vã. Thoát chạy khỏi mảnh đất đầy khói lửa - Đà-Nẵng – tôi và gia đình vào tới miền Nam, mặc dù đã bỏ tất cả gia tài của cải lại Đà-Nẵng. Được đặt chân đông đủ mọi người tới thủ đô Saigon là một mơ ước lớn nhất của gia đình tôi. Người ta chết trên đường di tản quá nhiều. Trong khi tôi chỉ mất vài lạng vàng, ít tư trang ngày cưới, tiền bạc và giấy tờ tùy thân, thì có sá gì so với những người đã mất vợ, mất chồng, mất con, mất cháu, mất người thân trên bước đường chạy loạn cuối tháng 3 tang thương đó. Chưa bao giờ tôi xem của cải, vật chất nhẹ nhàng như vậy. Còn cũng được, mà không cũng chẳng sao, miễn bốn đứa con tôi nguyên vẹn là được rồi. Trong khi chồng tôi đang theo học một khóa tu nghiệp tại Saigon, hằng ngày cứ ra phi trường Tân-Sơn-Nhất để tìm đón vợ con. Tôi bật cười cho sự ngây thơ của “đức ông chồng” tôi, vì làm sao mấy mẹ con chúng tôi có đủ điều kiện tiền bạc và thân thế để chen chân, có mặt trên những chuyến bay của Hàng Không Dân Sự Việt-Nam được? Vì thời điểm này, phương tiện di chuyển bằng hàng không đã được biến thành Hàng Không Thân Thế... Sự, vì không phải là ông to, bà lớn, tiền vàng đầy mình, thì làm sao mà leo lên phi cơ được? Người ta túa vào phi trường như một bầy ong vỡ tổ. Người ta túa ra các bến tàu Đà-Nẵng, leo lên tất cả những con tàu đang neo tại bến sông Hàn, không cần biết con tàu đó có sẵn sàng cho một chuyến ra khơi không?
Cũng do thế lực của một người thân trong Không Quân, chúng tôi thoát khỏi Đà-Nẵng một cách hy hữu trên chuyến vận tải cơ C-130. Phi trường Tân-Sơn-Nhất đã mở rộng vòng tay đón tiếp chúng tôi dừng chân nghỉ mệt trong cuộc chạy đua với Tử Thần. Cũng vào thời gian này, người dân Saigon đang sẵn sàng cho một cuộc di tản xa hơn: thoát ra nước ngoài. Tôi chưa có ý niệm gì trước cuộc di tản vĩ đại ấy, mặc dù người anh trong họ đã đón tiếp chúng tôi bằng một câu nói ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa: “Thời sinh viên, mình chạy chọt chết xác cũng không kiếm được cái học bổng đi Mỹ du học. Bây giờ được cho không, tại sao mình không dắt vợ, bế con đi Mỹ nhỉ?”. Một người chú họ là bác sĩ đã phán một câu lạnh gáy: “Bằng mọi giá mình phải có mặt ở Mỹ trước khi cộng quân tràn vào. Nếu không đi được, chắc mình sẽ tự tử, nhất quyết không để rơi vào tay họ”. Rồi bố tôi: “Bố mẹ đã đưa các con di cư vào Nam năm 1954, chẳng lẽ các con lại để vợ con sống với cộng sản hay sao?” Chừng đó âm thanh, chừng đó thôi thúc, chừng đó gợi ý, đã kích thích trong tôi giấc mơ viễn du. Nhưng bằng cách nào đây? Tôi không quen ai, chân ướt chân ráo chạy về Saigon, chưa kịp dừng chân, nghỉ ngơi cho lại hồn, thì lại phải chạy tiếp hay sao? Cú chạy Marathon này sao mà khó khăn quá! Mà chạy đâu bây giờ? Mỹ? Úc? Nam-Dương? Mã-Lai? Phi-Luật-Tân? Xa quá! Thế giới tự do đâu rồi? Sao không thấy ai cho tàu bè cứu chúng tôi như năm 1954? Cầu không vận là cái gì? Sao nghe nói mà không thấy đâu cả? Hàng trăm câu hỏi chập chờn trong trí não mệt mỏi của tôi.
Tôi vẫn hững hờ đôi chân trên pê-đan xe đạp. Cứ quẹo phải mà đi, sẽ không gặp trở ngại gì trong giao thông. Nước mắt tôi vẫn nhạt nhòa. Bao nhiêu nước mắt đã rơi trên đôi má hóp vì trải qua bao ngày lo nghĩ của tôi? Bao nhiêu năm rồi tôi không hề khóc. Bây giờ, lượng nước mắt khổng lồ đó có dịp tuôn rơi ào ạt, tôi không quẹt nước mắt, cũng không nghĩ cách làm nước mắt ngưng chẩy. Nhưng ô kìa, giọng tôi bật nức nở thành tiếng: “Trời ơi, Phật ơi, Chúa ơi, ông Nguyễn-Văn-Thiệu ơi, ông Nguyễn-Văn-Hương ơi, ông Trần-Thiện-Khiêm ơi! Saigon như thế này mà phải bỏ hay sao? Tôi là đàn bà mà còn nước mắt ngắn, dài thế này, các ông có ai bắt chước Hoàng-Diệu, Phan-Thanh-Giản chết theo thành không? Hay sẽ bắt chước Lê-chiêu-Thống hèn nhát, tìm đường thoát thân?”
Đi ngang chợ Bến Thành với bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc, tôi cho xe đạp vòng quanh bốn ngả cửa chợ. Tôi lại nghe chính tiếng tôi nức nở: “Trời ơi! Đất nước thế này mà bỏ hết hay sao?” Tôi đến Saigon vào những ngày Saigon đang hấp hối, nhưng tôi yêu Saigon biết bao! Tôi tiếc Saigon vô cùng, như ngày xưa người ta đã tiếc Hà-Nội! 1954 – 1975, chỉ một khoảng thời gian hơn hai mươi năm, tôi đã phải hai lần khóc cho vận nước nổi trôi hay sao? Hai mươi năm nữa? Chuyện gì sẽ xẩy ra? Những người ra đi hôm nay, hai mươi năm nữa sẽ trở về đòi lại nước chăng? Hai mươi năm quá dài cho một đời người. Khi ấy, ai còn, ai mất? Tôi còn không? Làm sao tồn tại để được chứng kiến ngày đất nước trở mình này? Những người ra đi sẽ trở về chăng?
Chỉ biết rằng trong khi mọi người khôn ngoan tìm đường thoát ra khỏi Saigon đang hực lửa, từ từ buông bức màn sắt phủ chụp trên đầu lương dân, thì tôi chỉ biết khóc, trong khi các con tôi đang nóng chờ lòng tôi ở nhà. Cả chồng tôi nữa. Một quân nhân chưa qua khỏi cơn hoảng hốt của sự thất trận ê chề. Anh chưa lại hồn, và cũng không đủ tỉnh táo để “tái phối trí” lại gia đình mình, để tìm một hướng thoát cho cả nhà. Tôi không muốn gặp lại chồng tôi, để khỏi đọc trên gương mặt anh một trời thất vọng, một rừng não nề. Anh lầm lì, giao phó hết quyết định việc nhà cho tôi. Tôi bực dọc trách rằng anh đã tỏ ra bất tài khi hữu sự. Tôi lại không muốn gặp những khuôn mặt ngây thơ của những đứa con khi các con thi nhau kể về những bạn bè đã “đi đâu mất” trong sáng qua, trong chiều nay, ở tầng lầu trên của ngôi biệt thự rộng lớn tại đường Ngô-Tùng-Châu, Gia-Định, mà Nghiệp Đoàn Lao Động đã dùng làm chỗ tiếp cư cho nhân viên của họ di tản từ các nơi về.
Buổi sáng, tôi sang nhà ông Đinh-Văn-Phát, Chủ Nhiệm nhật báo Độc Lập, gõ cửa mà thông báo cho ông biết rằng ngôi biệt thự đối diện nhà ông có hơn trăm người tỵ nạn ở các tỉnh, đang rất cần báo chí để theo dõi tin tức, xin ông cung cấp cho chúng tôi món ăn tinh thần này. Từ đó, mỗi sáng chúng tôi được ông cho người đem cho một xấp báo, tha hồ đọc, không còn phải đạp xe đi đến các sạp báo mua báo lẻ về đọc nữa.
Saigon đang có những buổi chiều thật buồn, vì có những cơn mưa bất chợt dai dẳng không ngớt, khiến cho mọi người cuồng chân, không đi đâu được. Những buổi tối thật kinh hoàng, vì tiếng đạn pháo của địch ở ven đô. Buổi sáng nghe tin chiến sự qua radio, tôi biết rằng đất nước tôi đã bị bỏ ngỏ, vì đạn pháo của địch đã trúng phi trường Tân-Sơn-Nhất, trúng khách sạn Majectic, trúng đầu ngõ Chi-Lăng – Ngô-Tùng-Châu chỗ tôi ở. Rồi tin nội các mới - ông Vũ Văn Mẫu – đã ra lệnh đuổi những cơ quan DAO về nước. Để làm gì? Tôi tự hỏi, nhưng cũng không trả lời được. Ông Tổng Thống Nguyễn-Văn-Thiệu bây giờ đang an vị ở đâu đó với vợ con và gia tài kếch sù của ông, để mặc đất nước này cho giặc dày xéo. Ông Nguyễn-Văn-Hương ơi! Ông Dương-Văn-Minh ơi! Có ông nào khóc như tôi không? Ông Nguyễn Cao Kỳ ở nhà thờ Tân-Sa-Châu, còn hăng hái hứa hẹn ở lại ăn dưa mắm cà với chúng tôi, bây giờ đâu rồi? Ông có giữ lời hứa không? Tôi co hai đầu gối, ôm mặt khóc, cả người tôi rung lên như bị động kinh. Tôi biết tôi hoàn toàn thúc thủ rồi. Tôi biết chẳng thể nào tôi có thể thoát ra khỏi Saigon với một gánh nặng: một chồng bất đắc chí và những đứa con thơ dại. Phi trường là nơi tôi chẳng thể nào với đến được, so với lượng người đông như kiến đang tìm đường thoát thân. Hình ảnh chiếc phi cơ trực thăng với thang người leo đu đưa như xiếc trên nóc tòa đại sứ Mỹ hiện ra rõ ràng trong trí tôi, đã khiến tôi nhụt chí ra đi. Bờ sông Bạch Đằng tôi cũng chẳng mơ đến được, vì các con tôi sẽ bị giẫm nát trước khi lên được tàu thủy. Sóng nước biển khơi gào thét những gì phẫn nộ ngoài xa kia?
Ra đi tìm sự sống, nhưng nếu biết rằng sẽ có người phải bỏ mạng, chắc không ai đủ can đảm dứt áo ra đi. Họa chăng, những cái chết bất ngờ, không báo trước, thì đành phải chấp nhận trong nước mắt vậy. Chung quanh tôi, người ta bỗng dưng vắng mặt một cách khó hiểu, như họ có phép độn thổ, tàng hình. Tôi quanh quẩn với ý nghĩ thế giới hỗn loạn chỉ còn riêng một mình tôi, cô đơn và tuyệt vọng. Các con tôi còn quá nhỏ, không chia sẻ được với tôi nỗi đau thương, cuồng loạn này. Chồng tôi, tôi ngỡ ngàng, không ngờ khi có việc hệ trọng, quyết định đến vận mạng của gia đình, thì người chủ gia đình ấy lại trở nên lầm lì, khó hiểu đến thế. Chỉ mỗi một câu “tùy em”, anh trả lời tôi không biết bao nhiêu lần, khi được tôi hỏi ý kiến về những chuyện này, chuyện kia. Người xưa nói “Nước loạn mới biết tôi trung, nhà nghèo mới biết con hiếu” quả thật đúng quá. Tôi lại muốn thêm một vế nữa rằng “gia biến mới thấy tài người phối ngẫu”. Muộn rồi, những chỗ có thể giúp tôi được, thì họ đã lên đường. Bỏ mặc tôi với cơn hoảng loạn, với nỗi kinh hoàng: “Trời ơi! Mình và các con phải ở với cộng sản thật à?”. Tôi không nghĩ đến chồng tôi nữa, vì tôi đã cáu kỉnh khi nghĩ rằng nếu anh khôn ngoan một tí, khôn lanh một tí, quyền biến một tí, anh có thể đưa vợ con thoát thân được. Đằng này, anh cứ ở trong nhà, không liên lạc với ai, rồi mơ mơ màng màng như một anh nghiền thiếu thuốc, rồi ôm radio nghe hết BBC đến VOA, làm như những tiếng nói ấy có thể đưa anh ra khỏi cơn khủng hoảng này. Giá tôi quen biết nhiều, giá tôi tìm đường đi được, chắc chắn anh sẽ ngoan ngoãn nghe theo tôi đi tìm tự do. Khốn nỗi, đã từ lâu tôi giao phó những công việc hệ trọng cho anh. Bây giờ...”
Cách một đoạn giấy trắng dài, trang nhật ký lại ghi tiếp:
“Tôi bán xâu chuỗi ngọc với giá rẻ như cho, để lấy tiền làm lộ phí cho chồng tôi đóng tiền ăn vào trại tập trung cải tạo. Trước khi đi, hai chúng tôi đã có cuộc đấu khẩu nhỏ, ghi lại đây, kẻo mai này, có thể sẽ quên mất: “Anh đừng đem cái chăn dù đi. Hình ảnh rằn ri sẽ tạo cho họ ác cảm với anh. Cả hộp xà-phòng Cadum nữa. Họ sẽ cho là anh... tiểu tư sản. Ví dụ như anh thấy một anh chàng hồi chánh mang dép râu, đội mũ cối, nhất định anh sẽ muốn chém họ ngay.”
Tôi cầm cái chăn dù và hộp xà phòng Cadum cất đi. Đổi vào là một cái chăn dạ mầu ô-liu, miếng xà-phòng Hải-Đường làm ở Hải-Phòng. Tôi còn nhét thêm cho anh cây kem đánh răng Hynos, thay vì anh sẽ dùng muối để đánh răng như anh đã nói. Vẻ mặt buồn thiu, anh cho rằng tôi cố ý “tước” cái chăn dù của anh để giữ lại nhà. Anh nặng nhẹ: “Em muốn làm gì thì làm. Muốn lấy gì thì lấy, muốm đem gì thì đem. Anh không có ý kiến nữa. Thời này là thời của các bà mà!”
Lập tức tôi rít lên cho hả cơn tức tối, u uất, vì phải kiêm nhiệm cả làm chồng lẫn làm vợ mấy tháng nay: “Ừ, anh cứ hằn học, cứ cay cú đi. Với kẻ thù thì im như thóc đổ bồ. Với vợ con thì nặng nhẹ, ăn tươi nuốt sống. Bao lâu nay, bây giờ mới biết anh chỉ là người... khôn nhà dại chợ. Có giỏi thì vào trại tập trung mà... tung hoành với kẻ thù! Mong rằng họ sẽ cải tạo giùm cho anh trở thành một con người tốt, biết sống cho ra sống. Đừng... ươn hèn như cả tháng nay. Chán thật!”
Những dòng chữ chi chít trên trang giấy nhỏ như muốn nứt tung ra, muốn trèo sang trang khác, muốn leo lên lề đến mặt trước của tờ giấy. Tôi lật qua lật lại, để mong đọc được thêm những u uẩn của một tâm tình trong tháng Tư đau thương ấy. Nhưng không có. Hết rồi. Người viết đã tự kết thúc những dòng tâm sự bằng một câu: “Ngày về xa lắm, người ơi!”
Không biết có phải đây là lời tiên tri cho cuộc chia tay não nề của người viết? Hay đấy chỉ là một ý tưởng chợt đến trong lúc tâm hồn của người viết mấy dòng chữ trên đang hoảng loạn?
Để bây giờ, hai mươi tám năm qua, ngồi đây chép lại những dòng chữ trên, vẫn thấy trong tôi một trời rừng uất hận đất nước đã rơi vào tay kẻ thù quá lâu, một trời thương tiếc cho những gì đã mất đi, không bao giờ có thể tìm lại, không phải chỉ của riêng người viết những dòng chữ trên, mà còn là nỗi lòng của tôi, của anh, của chị, của muôn người tỵ nạn chúng ta.
Hoa Hoàng Lan

1 comment: