Nghe tin chị đã xuôi tay, nhắm mắt,
Trời tha phương buồn, giăng mắc mây tang.
Xuân mới chớm, chiều nay nhiều hoa rụng,
Như tiễn đưa người vĩnh biệt trần gian.
Kiếp lưu vong, nặng mang niềm quốc hận,
Khắc khoải hồn chim Việt đậu cành Nam.
Thương đất mẹ, quê cha chừ thống khổ,
Xiềng xích, đoạ đày, chất ngất hờn căm.
Giấc mơ hồi hương mang theo xuống mộ,
Khi cuối đời chị an giấc ngàn thu.
Ôi! chị Hạnh Nhơn nay không còn nữa!
Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đức hạnh, nhân từ!
Ngược dòng dỉ vãng giữa thời chinh chiến,
Chị lên đường theo tếng gọi non sông.
Phận nữ nhi đâu kém gì nam giới,
Noi gương xưa Trưng,Triệu giống Lạc Hồng.
Làm nữ quân nhân đa năng, đa hiệu,
Làm cấp chỉ huy tài đức vẹn toàn,
Là đoá hoa mỹ miều trong quân lực,
Là vì sao của “Tổ Quốc Không Gian”.
Chị sáng tạo, thông minh và xuất sắc,
Nhiệm vụ hoàn thành, các cấp yêu thương.
Với quyết tâm, chị lập nhiều công trạng,
Được vẻ vang mang Bảo Quốc Huân Chương!
Ngày quốc hận, chị sa vào ngục đỏ,
Cùng toàn quân bị bức tử đau thương,
Chịu tủi nhục, khổ hình và đói lạnh,
Dạ trung can, bao năm tháng kiên cường.
Khi tỵ nạn, định cư nơi nước bạn,
Cùng những người chung Lý Tưởng Quốc Gia.
Lập Hội H. O. để lo cứu trợ,
Thương phế binh, quả phụ chốn quê nhà.
Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh” gây quỹ,
Đã năm lần được mỹ mãn thành công.
Gởi tiền giúp cho anh em chiến hữu,
Đang sống đời tàn phế quá long đong!
Tuổi thọ chị năm nay tròn chín chục,
Mà trong tim nhiệt huyết vẫn tràn đầy.
Và tình thương như sông dài, biển rộng,
Giữa Xuân hồng, “Hoa Từ Thiện” hương say.
Bỗng đưa đến cảnh sinh ly tử biệt,
Chị ra đi, không trở lại nữa rồi!
Khắp hải ngoại, người Việt buồn, thương tiếc,
Hạnh Nhơn ơi! Hỡi chị Hạnh Nhơn ơi!
Nơi cố quốc, thương phế binh, quả phụ,
Với cô nhi đau lòng trước hung tin.
Kể từ đây, tìm đâu hình bóng chị,
Nỗi u hoài lai láng đất Thần Kinh!
Bao công đức, chị miệt mài gây dựng,
Tên Hạnh Nhơn trong quân sử rạng ngời.
Đường tranh đấu, chị kém gì nữ kiệt,
Tổ Quốc ghi ơn, tưởng nhớ muôn đời!
Cầu hồn chị siêu thoát trời miên viễn,
Cõi vĩnh hằng, theo cánh hạc tung mây.
Mai Đất Mẹ được phục hồi Dân Chủ,
Bóng chị về trong gió lộng cờ bay.
Kha Lăng Đa