Tuesday, April 4, 2017

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG THÁNG 4-1975 Tại Phan Thiết

Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng 4-1975, người Lính Chiến VNCH trong lòng bỗng thấy đau xót. Xót cho quê hương Miền Nam, xót cho thân phận mình. Không phải vì VNCH yếu hèn mà vì đồng minh phản bội, cắt đứt mọi nguồn viện trợ để bắt VNCH bại dưới tay CSBV để Mỹ rút đi trong danh dự và chấm dứt chiến tranh cùng nhiều lợi ích mà Mỹ đã ký kết với Trung Cộng. Thật ra CSBV không là gì với lính tinh nhuệ của VNCH. Nếu như Mỹ chịu giúp VNCH trong trận chiến sau cùng này thì CSBV làm gì huênh hoang trong chiến thắng và chúng sẽ không bao giờ ngóc đầu lên nỗi vì chúng đã tung ra con chốt cuối cùng . 
Trong ngày 1/4/1975, Cộng quân tấn công phòng tuyến tiền phương của Quân đoàn 2, tại Phú Yên. Tại Khánh Dương, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù do Trung tá Lê Văn Phát chỉ huy đã kịch chiến với 4 trung đoàn của 2 sư đoàn Cộng quân. Lực lượng của lữ đoàn này đã giao tranh quyết liệt với các đơn vị thuộc Sư đoàn F-10 và F-320 của CQ. Các tiểu đoàn Dù đã đánh trả quyết liệt và bất chấp đạn pháo binh của Cộng quân bắn phá khá chính xác. Nhiều vị trí mất rồi được chiếm lại, rồi lại bị mất, nhiều lần như vậy nhưng các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 3 Dù vẫn còn giữ vững vị trí chiến đấu. Tướng Phú yêu cầu Lữ đoàn 3 Nhảy Dù cố gắng để chờ quân của Sư đoàn 22 Bộ binh từ Qui Nhơn rút vào cùng với 1 trung đoàn của sư đoàn 23 BB được tái chỉnh trang. Đến 2 giờ 10 chiều ngày 1/4/1975, khi đang bay trên không phận Khánh Dương thì Tướng Phú chỉ liên lạc được với một sĩ quan của Lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Tướng Phú được báo vắn tắt là Cộng quân đã tràn ngập nhiều vị trí của các đơn vị Nhảy Dù, tuyến phòng ngự đã bị cắt nhỏ. Sau đó phía dưới đất tắt máy.
Sáng ngày mồng một tháng 4 – 1975, một cuộc họp tại Tòa Hành Chánh Tỉnh, gồm BCH Hành Chánh, Tiểu Khu và bảy Quận Trưởng, nhằm mục đích đối phó với đoàn người di tản từ Cao Nguyên và miền Trung vào sắp tới Phan Thiết. Trong khi tình hình tại Lâm Đồng rất sôi động nhất là tại vùng giáp ranh với Định Quán (Long Khánh). QL1 tại Rừng Lá đã bị Cộng quân đóng chốt, quân số cấp Sư Đoàn, chuẩn bị đánh vào Sư Đoàn 18BB tại Xuân Lộc . Tại Bình Tuy, Đại tá Tỉnh Trưởng Trần Bá Thành cũng đã lập một nút chận hùng hậu từ Căn cứ 10 cho đến thị xã La Gi. Trước tình hình này, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa quyết định bỏ ngỏ Phan Thiết để đoàn di tản đi qua. 
Ngày 2-4-75, Sau khi Bộ Tư Lệnh/Quân Đoàn II lần lượt bỏ Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột rút về Nha Trang. Qua quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu / QLVNCH, sáp nhập phần lãnh thổ còn lại của QĐII vào QĐIII. Cuộc bàn giao lãnh thổ tại Lầu Ông Hoàng nơi đặt Bộ Chỉ Huy/ Hành quân của Tiểu Khu Bình Thuận, giữa Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh QĐII và Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh Phó QĐIII. Coi như kể từ 1 giờ 45 phút ngày 2–4–75 Quân đoàn II không còn.
Trước tình hình như vậy, BCH/ Tiểu Khu Bình Thuận điều động Tiểu Đoàn 229/ĐP do Th/tá Nguyễn Hữu Tiến làm Tiểu Đoàn Trưởng, lúc đó đang làm nhiệm vụ giữ an ninh cho Khu định cư Nghĩa Thuận, nằm bên kia Đập Đồng Mới, thuộc xã Lương Sơn. Tiểu Đoàn rút về tăng cường cho Nam Bình Thuận. Vào ngày 1-4-75, Đại đội 4/248/ĐP do Tr/úy Nguyễn Tấn Hợi làm Đại Đội Trưởng thay thế TĐ/229/ĐP. Trong ngày này Tiểu Đoàn được tăng phái cho Chi Khu Hàm Thuận, riêng Đại Đội 4/229/ĐP do Tr/úy Cao Hoài Sơn làm Đại Đội Trưởng, phụ trách bảo vệ Nông Trường Sao Đỏ và đồng bào hồi hương từ Campuchia tại Bình Tú, thế cho đơn vị của Đại úy Huỳnh Văn Quý đã di chuyển tăng cường cho mặt trận Ba Hòn (Kim Bình, Hàm Thuận). 
Ngày 3-4-1975, toàn bộ Tiểu Đoàn 229/ĐP được lệnh di chuyển về phòng thủ bảo vệ Tiểu Khu và Tòa Hành Chánh Tỉnh. Đại đội 2/229 do Đại úy Lê Viết Duyên làm Đại Đội Trưởng, phòng thủ chu vi Tòa Hành Chánh. Đại đội 3/229 do Tr/úy Nguyễn Dương Quang làm Đại Đội Trưởng trú đóng tại Vườn Hoa, Lầu nước . Đại Đội 1/229 do Tr/úy Nguyễn Văn Thứ làm Đại Đội Trưởng, đóng từ Bưu Điện qua Ngân Khố dọc theo đường Hải Thượng Lãn Ông. Đại Đội 4/229 đóng dọc theo đường Nguyễn Hoàng, bảo vệ mặt sau cho Tiểu Khu.
Một ngày đêm trôi qua êm ả, cuối cùng đoàn di tản cũng tràn vào Phan Thiết theo ngã Quốc Lộ 1 từ Bắc Bình Thuận vào, sau khi đã tàn phá các làng mạc, thị trấn trên đường đi, gồm các thị trấn Long Hương, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Lương Sơn..... Tại Phan Thiết, sáng ngày 4-4-1975, trên các con đường phố tràn ngập những quân xa, có cả Thiết vận xa M113 và Tank M41, M48. Xe Honda và người tràn ngập trên vỉa hè, tất cả các Chợ, Quán ăn, Tiệm tạp hóa, Cây xăng đều đóng cửa 
Tuy vậy đoàn di tản và một số côn đồ lợi dụng tình thế cướp giật, không ít Cộng quân đã trà trộn đột nhập vào thị xã Phan Thiết, gây tình trạng rối ren hầu tìm cách đánh úp ta. Tất cả đều bị đập phá tang hoang, các cửa tiệm, cây xăng bị cướp phá. Các nơi chứa gạo dự trữ bị dân tràn vào cướp đi. Chúng tôi nhìn cảnh này lòng đau như cắt, nhưng được lệnh không được nổ súng vì sẽ gây thêm hỗn loạn, dân lành sẽ chết và Đặc cộng địch sẽ lợi dụng cơ hội giết thêm dân vu vạ cho ta. Phan Thiết đã thật sự bỏ ngỏ, để tránh đổ thêm máu vô ích. 
Sáng ngày 4-4-75 tại Cầu Bằng Lăng ở đoạn đường vắng gần núi Tà Dôn, đoàn di tản đã bị VC phục kích. Có hai binh sĩ của Đại đội 4/229 đang công tác may mắn thoát chết. Theo lời tường thuật của hai nhân chứng thì đoàn di tản bị thương vong rất nhiều, vì VC bắn bừa bãi vào đoàn xe, trên đó đa số là Dân chạy nạn từ vùng hỏa tuyến về. May nhờ có chiến xa tiến lên tiêu diệt địch quân, yểm trợ cho đoàn di tản tiếp tục tiến về Phan Thiết .
Cơn lốc tàn phá cuối cùng cũng chấm dứt vào buổi chiều, khi một số lượng lớn người và xe di tản vào Bình Tuy. Phan Thiết tưởng chừng như qua khỏi cơn đại nạn, cho đến 10 giờ đêm thì bỗng nghe một tiếng nổ rất lớn ở hướng phố Gia Long làm cháy ngôi Chợ Lồng Phan Thiết. ĐĐ4/229 của Tr/úy Cao Hoài Sơn đã được lệnh đến hiện trường, tìm cách giúp đỡ dân chúng chữa lửa cùng trấn áp bọn tội phạm thừa lúc hỗn loạn cướp phá. Cho đến trời vừa hừng sáng mới dập tắt được đám cháy trong chợ thì VC bắt đầu pháo kích vào BCH/Tiểu Khu. Nhưng đạn lạc ra ngoài quanh Vườn Hoa, dọc bờ sông đường Trưng Trắc, và Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín. Có hai trái rớt vào khu dân cư ở Khu II Bình Hưng làm nhiều thường dân vô tội thương vong. Nhờ ta pháo trả kịp thời nên đã bịt kín họng súng của đích lúc đó đang đặt tại Xuân Phong, Đại Nẫm.
Ngưng được một thời gian ngắn đến lúc 10 giờ, địch tiếp tục pháo vào Phan Thiết, nhưng chỉ trúng nhà dân, làm tử thương thêm vài người. Một bọn du đảng ở Lò Heo nhặt đâu được một chiếc xe Jeep quân đội bỏ lại, bọn này cắm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tay cầm súng AK 47, mang băng đỏ, lái xe băng qua cầu Quan đi dạo phố như chỗ không người, tới trước rạp Chiếu bóng Bình Thuận và Khách sạn Anh Đào thì đụng ngay với Đại đội 1/229/ĐP của Tr/úy Nguyễn Văn Thứ. Những tràng đạn M16 của ta đã diệt gọn không sót một tên, xác chết nằm vắt trên xe, bọn này có lẽ bị VC nằm vùng giật dây, cho rằng chính quyền đã bỏ chạy hết, nên tìm cách cướp chính quyền lập công dâng đảng.
Buổi trưa có hai hỏa tiển 122 ly từ hướng Xuân Phong, Trinh Tường pháo vào trung tâm Phan Thiết làm thương vong thêm một số người. Chừng ấy đoàn di tản mới chịu rời thành phố nhưng lại rơi vào ổ phục kích của VC tại cây số 37 trên QL1. Số còn lại chạy thoát vào căn cứ 10 thì bị Tiểu Khu Bình Tuy giải giới hết. Tuy vậy Tiểu Đoàn 229/ĐP vẫn được lệnh tiếp tục bảo vệ Thị Xã Phan Thiết thêm hai ngày mới rút.
Ngày 7-4–75, VC theo đường Tỉnh lộ 8 tấn công quận lỵ Thiện Giáo sau khi Lâm Đồng bỏ ngỏ. Đại úy Mai Vi Thành lúc này là Quyền Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 230/ĐP kiêm Chi Khu Trưởng Thiện Giáo (thay Thiếu tá Lê Văn Thông ..) . Trận chiến diễn ra ác liệt, địch bỏ lai nhiều xác chết và rút lui trước sự chống trả anh dũng của quân ta .
Để bảo vệ vòng đai Phan Thiết, toàn bộ Tiểu đoàn 229/ĐP di chuyển đến phối hợp với Tiểu đoàn 202/ĐP của Đại úy Huỳnh Văn Hoàng làm Q.Tiểu Đoàn Trưởng (thế Thiếu tá Bính ..), BCH/ Tiểu đoàn đóng tại căn cứ Tân An. Ngày 12/4/75 khi TĐ229/ĐP đến phòng tuyến mới Cầu Sở Muối, thì Tân Điền đã lọt vào tay địch. Cho đến ngày 15/4/75, VC tập trung pháo kích vào Thiện Giáo. Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa Tiểu Khu Trưởng ra lệnh cho Tiểu đoàn 230/ĐP bỏ Thiện Giáo rút về phòng thủ thị xã Phan Thiết, đơn vị này được phối trí đóng quân tại vùng nhà thờ Lạc Đạo.
Lúc này mặt trận tại Phú Long đang hồi khốc liệt, tiếng đạn nổ bom rơi ì ầm suốt cả ngày đêm. Trong ngày 12/4/75 Đại úy Huỳnh Văn Quý Liên Đội Trưởng Liên Đội Đặc Nhiệm Bảo Vệ Nông Trường Sao Đỏ, được bổ nhiệm làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 249/ĐP (thay thế Thiếu tá Phan Sang) và Đại Uý BĐQ Nguyễn Văn Hạnh (TĐP) được tăng phái thêm Đại đội 283 Biệt lập của Đại úy Nguyễn Văn Ba làm Đại Đội Trưởng. Lúc 4 giò chiều ngày 13-4-1975, Tiểu Đoàn 249/ĐP và Đại đội 283 ĐPQ đã đánh vào Phú Long, được tăng cường thêm một đơn vị của Tr/đoàn 6/Sư đoàn 2BB do Trung tá Tôn Thất Hổ chỉ huy đã chiến đấu oanh liệt chặn địch và chiếm lại Phú Long cho đến ngày cuối cùng 18/4/75. Khi mà các Binh Đoàn của Cộng Sản thanh toán xong các nút chận và đang tiến về Phan Thiết theo QL1.
Từ ngày 12/4/75, Tiểu Đoàn 229/ĐP lập phòng tuyến tại Cầu Sở Muối trên Quốc lộ 1. BCH/Tiểu Đoàn đóng tại Cầu Sở Muối. Đại Đội 1, 2, 4 lập thành vành đai từ Tân An đến Tân Điền, dựa theo địa thế tự nhiên mương rạch chằng chịt trong khu vực. Đại Đội 3 nằm bên kia QL1 trong những đám ruộng muối. Có một đồn nhỏ sát với QL1 ngang với Tân Điền do một Trung Đội Nghĩa Quân đóng chốt. Trong phạm vi phòng thủ có vài ngôi nhà dân còn lại là ruộng chưa gieo cày. 
 Trong những ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1975, Tiểu đoàn 275/ĐP do Thiếu tá Lê Văn Tư làm Tiểu Đoàn Trưởng chịu trách nhiệm an ninh vùng Cây Số 25, thì vào thời điểm đầu tháng 4-1975 Bộ đội Cộng Sản đã tăng cường áp lực lên Chi Khu Thiện Giáo và vùng Nora – Tùy Hòa . Chúng đem một đơn vị cấp Tiểu đoàn có pháo yểm trợ tấn công đồn NORA và chiếm giữ đồn . Tiểu khu Phòng 3 đã ra lệnh cho Tiểu đoàn 275/ĐP bằng mọi giá phải lấy lại đồn này không để mất vào tay Cộng sản .
Vì vậy trong đầu tháng 4/75 . Tiểu đoàn đã tiến về đánh chiếm lại Đồn NORA . Trận chiến diễn ra ác liệt với sự yểm trợ của Pháo binh đặt trên núi Tà Dôn . Sau nhiều giờ giao chiến Tiểu đoàn đã chiếm lại được đồn NORA với tổn thất nhẹ . Đại đội 1 do Tr/úy Nguyễn Minh Luân làm ĐĐT đã có một Trung Đội Trưởng hy sinh anh dũng .
Áp lực địch càng ngày càng gia tăng lên xã Tùy Hòa, Tiểu khu không còn lực lượng để trấn giữ nên ra lệnh Tiểu đoàn 275/ĐP rời bỏ vùng NORA kể cả đồn này trước đó đã đổ máu để lấy lại để về giữ vững Tùy Hòa . Tiểu đoàn tăng viện Đại đội 2 do Tr/úy Lợi làm ĐĐT giữ mấy khẩu pháo tại núi Tà Dôn . Cộng quân đem một đơn vị rất lớn đánh vào Tùy Hòa nhưng không làm gì được bên ta, Tiẻu đoàn đã cầm cự với Cộng quân trong hai tuần tại đây . Ý đồ của chúng là sau khi chiếm được Tùy Hòa rồi mới dồn nỗ lực đánh phá phòng tuyến Phú Long do Tiểu đoàn 249/ĐP cùng một số đơn vị tăng phái trấn giữ . Nhưng Công quân chiếm không được Tùy Hòa nên chúng thay đổi kế hoạch bằng cách đem toàn bộ lực lượng đi vòng đánh chiếm Phú Long . Tại đây chúng gặp sức kháng cự mạnh mẽ của các đơn vị đòn trú gây cho chúng nhiều thiệt hại cho đến ngày 18-4-1975, sau khi thanh toán xong Bắc Bình Thuận . Binh Đoàn Cộng Sản có tăng yểm trợ đã tiến vào Phú Long .
Tiểu đoàn 275/ĐP lại được lệnh bỏ Tùy Hòa để về tăng cường phòng thủ Phú Long vào trung tuần tháng 4-75 . Tiểu đoàn phải di chuyển theo triền động cát rút về Kim Ngọc bảo vệ khu nhà Thờ Kim Ngọc . ĐĐ1/275 /ĐP của Tr/úy Luân chỉ huy chịu trách nhiệm bên đây cầu còn bên kia do Tiểu đoàn 249/ĐP trấn giữ . Trong hai tuần tại đây cộng quân đã tiến đánh ngày đêm nhưng cứ điểm Phú Long như thành đồng vách sắt không thể nào chúng phá nỗi .
Sáng ngày 15/4/75 Đại đội 1/229/ĐP bắt được một Đặc công của địch đang ẩn náo trong nhà dân gần đó điều chỉnh pháo binh pháo kích vào quân ta .Trưa ngày 18/4/75 Đại Đội 4/229/ĐP do Tr/úy Cao Hoài Sơn chỉ huy được lệnh tấn công chiếm lại Tân Điền dưới sự yểm trợ của Đại đội 1 + 2/229 của Tr/úy Thứ và Đại úy Duyên . Quân số địch tại Tân Điền rất đông lại có chuẩn bị hầm hố vững chắc, có cả vũ khí nặng . Mặc dù sáng hôm đó, Tiểu đoàn có nhận được một số lớn M72 chống xe Tank và nhiều đạn cối 81 ly xuyên phá dùng để phá hầm đich, nhưng cũng không đánh vào nỗi Tân Điền . 
Lúc 7 giờ tối 18-4-1975 nhận được lệnh sẵn sàng “chờ lui quân”. Trung đội Nghĩa Quân ở đồn bên cạnh liên lạc với ĐĐ4/229 xin cho sáp nhập vào đoàn di tản . Chờ mãi đến 8 giờ tối mà chưa nghe bất cứ một hiệu lệnh gì ! .Hướng Phú Long thì im hơi lặng tiếng khác với ngày thường. Chính lúc đó, đoàn xe Tank địch đã qua Cầu Phú Long và đang hướng về Cầu Sở Muối vào Phan Thiết . Đoàn xe Địch khi băng qua khu Kim Ngọc đã dùng đại liên bắn vào tháp chuông nhà thờ . Khi đoàn xe đi qua đồn Nghĩa Quân thì dừng lại quay pháo tháp, tôi nghe cả tiếng kẹt kẹt của pháo tháp quay và nổ nhiều phát đạn vào đồn, lửa văng tung tóe .
Khi xe chạy ngang vị trí ĐĐ4/229 thì hai quả chiếu sáng do BCH/ Tiểu Đoàn bắn lên, binh sĩ tình nguyện hạ Tank địch chạy về vị trí phòng thủ bị địch phát hiện nên quay họng súng đại bác 100ly vào vị trí của đại đội bắn trực xạ . Đằng sau xe Tank địch tên QL1 đang tràn lên tiếp ứng, mặt sau Tân Điền không biết địch quân có phối hợp với xe Tank để tấn công ta hay không chưa biết, nên Tiểu đoàn rút lui về Tân An để củng cố đội hình là phương án tốt nhất .
Khi xe Tank địch đi qua Cầu Sở Muối thì BCH/Tiểu đoàn 229/ĐP còn dưới cầu, tất cả lợi dụng bóng đêm rút về Tân An an toàn, trừ Đại đội 3/229/ĐP của Trung úy Nguyễn Dương Quang không băng qua QL1 được nên rút xuống Bình Hưng tìm ghe về Vũng Tàu. Lúc này xe Tank địch truy đuổi theo con đường đất nối liền QL1 với đường Lương Ngọc Quyến, Tỉnh lộ 8 nối dài .Có lẽ địch đang chờ phối hợp với bộ binh tại Tân Điền mới tiến đánh . Tiểu đoàn 202/ĐP đã rút khỏi Tân An, trong đồn vỏ xe hơi đốt cháy sáng rực. 
Lúc này BCH/ Tiểu đoàn liên lạc được với Đại tá Ngô Tấn Nghĩa hiện đã di tản bằng ghe chài ra Chiến hạm Trần Khánh Dư HQ4 đang neo ngoài biển Phan Thiết để lập kế hoạch di tản toàn bộ Quân Dân Cán Chính Bình Thuận vào ngày mai 19/4/75 theo kế hoạch . TĐ229/ĐP xin phi cơ yểm trợ để lui binh, Quân đoàn III đã cho một Hỏa Long C47 đến yểm trợ do Phi Công Trưởng là Đại úy Minh chỉ huy. Ông đã hết lòng “giải vây cho người lính Bộ đang nguy khổn” bằng cách thả đèn và bắn chận đich đang từ Tân Điền tiến vào Tân An. Qua ánh hỏa châu, thấy xe Tank địch tấp vào núp dưới các tàn cây trên đường đất. Phòng không đich từ Tân Điền và Bình Lâm bắn lên đầy trời như sao xa, bao vây chiếc Hỏa Long đơn độc .Sau mười lăm phút quần thảo với địch, giúp đơn vị bạn củng cố đội hình, vượt sông Cà Ty qua ngõ Xuân Phong, Đại Nẫm tiến về Bình Tú . Chiếc C47 bị trúng đạn phòng không của địch nên chào từ giã ĐIA PHƯƠNG QUÂN BÌNH THUẬN và chúc may mắn. Ông lấy làm tiếc vì không giúp được nhiều hơn.
Tại Bắc Bình Thuận, theo tường thuật của Trung úy Nguyễn Tấn Hợi, Đại đội trưởng Đại đội 4/ TĐ 248/ĐP là đơn vị tiền phương xa nhất của TK Bình Thuận. Đơn vị đóng bên này Cầu Đá Chẹt (Cà Ná) là ranh giới của Tiểu khu Bình Thuận và Ninh Thuận trên QL1. 
Vì tình hình chuyển biến quá nhanh, nên sau khi liên lạc về BCH/TĐ248 ĐP, Đại Đội 4 nhận được lệnh bỏ Cà Ná và rút toàn bộ Đại đội (-) về xóm Vĩnh Hảo nhưng vẫn phải thường xuyên liên lạc với BCH/TĐ và Liên Đoàn 925 ĐP để báo cáo diễn biến của địch từng phút một . Vì khi còn ở Cà Ná, nhận thấy xóm Vĩnh Hảo không có vị trí phòng thủ tốt, nên ĐĐ4/248 đã di chuyển đến đóng quân ở một ngọn đồi thấp, đối diện với Sở Nước Suối Vĩnh Hảo. Đây là một vị trí phòng thủ thiên nhiên rất lý tưởng, hơn nữa nếu nguy cấp Đại đội có thể rút ra phía sau núi là bờ biển . Khi đoàn chiến xa Cộng sản tiến vào theo đường QL1, Đại đội 4 của Tr/uy Nguyễn Tấn Hợi đã rút đi về hướng biển trong đêm được Tàu hải Quân thuộc Duyên Đoàn 2 vào cứu toàn bộ ra Tàu .
Mờ sáng đơn vị chúng tôi đã có mặt trên chiếc Dương Vận Hạm 503 đó là ngày 17-3-75, con tàu đang nhấp nhô trên biển với những cơn sóng cao dữ dội . Tôi nhìn về đất liền hướng mũi Dinh, thấy lấp lánh ánh sáng từ những kiếng xe phản chiếu ánh sáng mặt trời nhiều vô kể như sao lấp lánh giữa trời đêm . Chiếc tàu đang lênh đênh ngoài vịnh Cà Ná - Cửa Xuất, tôi thấy các vị Sĩ quan Hải quân trên tàu ra dấu hiệu cho những chiếc ghe đánh cá lại gần, cho họ dầu nhờ họ đi vào bờ bốc lính ra (theo lời Trung úy Hợi tường thuât). 
Khi công tác cứu vớt lính còn đang tiếp diễn, thì những đạn pháo từ trong bờ bắn ra, bởi vì chiếc DVH 503 ở rất gần vịnh Cà Ná, đó là pháo binh của VC mà tôi đoán là 130 ly bắn trực xạ, những trái đầu tiên bay qua tàu và rớt ở xa, tôi nghe chiếc loa trước pháo tháp đài chỉ huy phát tiếng gọi, những trái đạn kế tiếp pháo trúng pháo tháp chỉ huy và những loạt đạn sau trúng boong tàu. Trên tàu lúc này có rất ít người nên thương vong không đáng kể . 
Tiếng súng từ bờ biển bắn ra đã im bặt vì Hải pháo của ta bắn vào dữ dội .. Có một chiếc chiến hạm từ từ cặp vào bên hông nên dần dần chiếc DVH 503 trở lại bình thường. Chiếc tàu DVH được bơm nước ra và kè đi trong đêm tối. Mệt mỏi, ê chề tôi đã thiếp đi đến khi tĩnh dậy đã thấy gần đất liền và tàu cập bến Vũng Tàu đâu khoảng 10 giờ sángngày 18-4-75 .
Chúng tôi được đưa lên những chiếc xe GMC do quân cảnh hướng dẫn . Khi đến nơi tôi mới biết đó là TTHL /Vạn Kiếp khu tiếp tân . Đến đây thì tôi lại nhớ lúc trước nguyên tôi là ĐĐP/ĐĐ966/ĐPQ của Đại úy Lộc khi tôi mới Thiếu úy, sau này mỗi người mỗi ngã, tôi đi học khóa ĐĐT còn Đại úy Lộc về TTHL/Vạn Kiếp 
Tại Phú Long, đến ngày 18-4-75 khoảng 2 đến 3 giờ chiều, sau khi bị trận địa mìn ở Dốc Bà Chá Lương Sơn làm cháy mất 3 chiếc và hư hại nhiều chiếc khác do công của TĐ 212/ĐP . Đoàn Tank địch sau hơn một ngày dò dẫm đã tiến vào Phú Long, Trước tình hình địch như vậy Tiểu Đoàn 249/ĐP + ĐĐ283 ĐP và Tiểu Đoàn 275/ĐP cùng các đơn vị tăng phái lần lượt rút bỏ Phú Long di tản chiến thuật theo kế hoạch về Bình Tú để chờ Tàu Thủy vào rước về Vũng Tàu .
Mặc dù vậy Tank địch chưa dám tiến đánh vượt qua cầu Phú Long vì sợ lại lọt vào trận địa mìn bẫy . Đại Đội 1/275 được lệnh giữ vững cầu và tiêu diệt Tank địch. Lúc này đơn vị kiểm điểm lại chỉ còn 7 quả M72 vì đã bắn nhiều trong nửa tháng không được cung cấp thêm. Xe Tank địch thì rất nhiều như những con thiêu thân chờ đêm tối mới tràn qua cầu. 
Tr/úy Luân liên lạc với Phòng 3/TK thì được biết đã có lệnh rút lui về Bình Tú, nhưng Tiểu Đoàn rút đi mà không thông báo cho đơn vị biết . Dầu vậy anh đã ra lệnh chờ xe Tank địch tới gần 30m mới cho bắn, để chắc chắn. Tuy vậy Tank địch không dám qua cầu mà rẽ đường vào Phước Thiện Xuân tấn công đồn Nghĩa Quân do anh Néo làm Trung Đội Trưởng. Tại đây một chiếc Tank T54 đã bị NQ bắn hạ. Trung úy Luân gọi Hải pháo bắn chận địch để đơn vị rút quân . Đơn vị anh từ đó đã về Thanh Hải và tan hàng tại đây, tự tìm đường đi về Vũng Tàu. Riêng anh nhờ một chiếc ghe vớt anh trên thúng khi đang lênh đênh ở ngoài biển đưa vào Vũng Tàu, gặp lại Tiểu đoàn tại đây .
Sơn Cao

No comments:

Post a Comment