Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đã đi suốt hành trình bên cuộc chiến từ ngày còn Quân Đội Liên Hiệp Pháp cho đến khi tan hàng vào tháng 4 năm 1975 trong vai trò một nữ quân nhân, kê vai gánh vác trách nhiệm cùng nam phái.
Khởi đầu binh nghiệp, bà là nhân viên đồng hóa của Sở Tài Chánh của Việt Binh Đoàn (Trung Việt), sau đó là Nữ Phụ Tá trong Quân Đội VNCH. Năm 1965, khi chiến tranh chống Cộng càng ngày càng ác liệt, đòi hỏi nhiều nam quân nhân ở chiến trường, Đoàn Nữ Quân Nhân (NQN) được thành lập để làm các công tác hậu phương, bà Hạnh Nhơn là một trong những nữ quân nhân đầu tiên lo xây dựng Đoàn và Trường NQN để huấn luyện tân binh. Cuối năm 1975, bà là Phân Đoàn Trưởng Nữ Quân Nhân, làm việc tại Bộ Tư Lệnh Không Quân (Tân Sơn Nhất), mang cấp bậc Trung Tá.
Sau tháng 4-1975, cùng theo với vận nước, bà Hạnh Nhơn cũng đã như những quân cán chính của miền Nam, bị tập trung “cải tạo,” bỏ lại một gánh nặng gia đình 8 đứa con cho chồng.
Bà ra tù Cộng Sản vào tháng 4 năm 1979, tần tảo với một đàn con, lớn nhỏ cho mãi đến tháng 11 năm 1990 mới đặt chân đến Hoa Kỳ. Hơn ba năm tù tập trung trong trại “cải tạo” Cộng Sản, sang định cư tại Mỹ, ngày ấy Bà đã 63 tuổi, đáng lẽ giờ đó bà phải được an hưởng tuổi già trên mảnh đất này, nhưng những người bà nghĩ đến đầu tiên khi cuộc sống đã tạm ổn định, chính là những người cùng chung hoàn cảnh tù đày sau chiến tranh, vừa đến Mỹ hay sắp đến Mỹ.
Đó là những công việc của Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị do ông Nguyễn Hậu làm Hội Trưởng. Như việc nhà, với vai trò Hội Phó, bà khéo léo đảm đang, lo được phần nào cho những người bạn tù đến sau, từ việc bảo trợ, cho đến đón tiếp, hướng dẫn. Trong thời gian này, bà cũng là người sáng lập Nguyệt San “Hội Ngộ” đăng tải các tin tức và bài vở của anh em cựu tù nhân mới đến Mỹ, dù khó khăn về tài chánh, tờ báo cũng đến tay được anh chị em cựu tù nhân mười bốn lần (14 số), nỗ lực của một phụ nữ chưa hề viết văn, làm báo.
Nhưng nỗi ám ảnh trong lòng Bà Hạnh Nhơn chính là mối lo âu về số phận của anh em thương phế binh đang sống cuộc đời bất hạnh ở quê nhà. Bà cũng như chúng tôi, là những người lành lặn sau cuộc chiến, đã bỏ các chiến hữu của mình lại trên trận địa, trong bàn tay của đối phương. Không những thương binh VNCH đã không có năng lực dùng bàn tay, trí óc của mình để bươn chãi kiếm kế sinh nhai, họ còn phải sống trong một xã hội kỳ thị, hận thù, con cái không có cơ hội tiến thân và tương lai thì vô vọng, mờ mịt.
Ngày nay Saigon đã mất, Quân Đội VNCH đã không còn, không còn tổ chức nào gọi là Bộ Cựu Chiến Binh, tất cả còn lại đều là sự dùm bọc của những người may mắn cho kẻ bất hạnh, của những lành lặn cho người thương tật, của người có cơ hội ra đi để lo lắng cho người ở lại.
Bà Hạnh Nhơn và một số anh em cựu tù khác đã sáng lập ra Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Cô Nhi Quả Phụ VNCH, nhằm giúp đỡ thiết thực tới những người khốn khổ, tuyệt vọng ở quê nhà, là những người lính VNCH thương tật trong cuộc chiến, những quả phụ và cô nhi còn nhỏ dại. Ngày ấy tên tuổi của Hội chưa ai biết, vấn đề lo cho thương phế binh cũng còn xa lạ với đồng hương, Hội chỉ có khả năng gom góp từ những người quen biết và tìm tòi các “địa chỉ bất hạnh” ở quê nhà, gọi là những phần quà an ủi hơn là những sự giúp đỡ.
Từ một nhóm nhỏ anh chị em cựu tù nhân đã sống qua những ngày tù tội dưới chế độ Cộng Sản, ngồi lại với nhau, mỗi năm chỉ kiếm được vài nghìn giúp anh em thương binh VNCH trong hoàn cảnh chật vật, đến Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, qua chặng đường 20 năm đã lớn mạnh, về tầm vóc hoạt động, uy tín với con số gây quỹ, mỗi năm quyên được hơn 1 triệu Mỹ kim, gửi giúp cho hơn hàng chục nghìn lượt thương binh và quả phụ VNCH ở quê nhà.
Tất cả các Thương Phế Binh VNCH, neo đơn, cơ cực ở quê nhà đều xem bà Hạnh Nhơn là ân nhân lớn. Người ta ca tụng Bà như một bà Mẹ Teresa, một vị Bồ Tát của hàng chục nghìn thương binh VNCH, tuy hoàn cảnh xa xôi đến nửa vòng trái đất, nhưng tấm lòng và những đồng bạc an ủi luôn luôn gần gũi thắm thiết.
Bà Hạnh Nhơn là một niên trưởng trong Quân Đội, và Bà xứng đáng được tôn vinh như là một người Chị của anh em thương binh! Bà không có tầm vóc của một Tướng Lãnh để điều động nghìn binh sĩ, bà cũng không phải là người có uy tín sẵn để thu phục lòng người. Ngày này sang ngày nọ, từng bước một âm tầm, kiếm từng đồng bạc từ hải ngoại gửi về cho anh em thương binh.
Hải ngoại tin tưởng ở đạo đức và tấm lòng của Bà, anh em thương binh ở quê nhà tìm đến địa chỉ Bà càng ngày càng đông, cái tên Hạnh Nhơn trở thành nơi nương tựa cho những người lính chiến bỏ cuộc nửa chừng, bỏ một phần thân thể ngoài trận địa, không còn đơn vị, không còn đồng đội!
Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn mất đi là một cái tang chung cho anh em thương phế binh VNCH ở quê nhà, giữa sự thương tiếc vô vàn của đồng bào hải ngoại. Bà Hạnh Nhơn sống cuộc đời bình thường của một người vợ, người mẹ trong gia đình, một người lính thời chiến, một người tù thất trận, làm những công việc bình thường, nhưng khó có ai thay thế được. Thương tiếc Bà!
Huy Phương
No comments:
Post a Comment