Ngày đầu tháng Tư, dân chúng miền Trung cùng với binh lính đã tràn vào thành phố Phan Thiết, nơi tôi đang sống. Nhà chồng tôi ở ngay hẻm đầu tiên sát đầu cầu Trần Hưng Đạo trên Quốc Lộ 1A thuộc Đức Thắng, nơi dòng người di tản lũ lượt nối đuôi nhau để về Sài Gòn. Cũng như những nhà gần đó, nhà chồng tôi cũng có nhiều binh lính, gia đình họ và dân di tản xin vào nghỉ chân. Có những gia đình ra đi với mấy bộ quần áo trên người hay nhiều lắm là một cái vali gói gọn một đời lam lủ. Họ không khách sáo khi được mời ăn cơm. Tôi biết những người di tản rất đói cơm khát nước ... Nhưng qua vẻ mặt buồn bã, hoang mang ngơ ngác pha lẫn mệt mõi chán chường, tôi biết những con người này không còn lòng dạ nào nuốt nỗi miếng cơm trên con đường lưu lạc không tuong lai, không lối thoát ... Còn tôi, lòng ngỗn ngang những nỗi lo âu. Mẹ và các em được Ba tôi đưa vô SG mấy ngày trước, ông còn ở lại vì còn tới nhiệm sở làm việc. Đã mấy lần ba tôi đến thúc giục tôi phải nhanh chóng rời đi để ông an tâm. Nhà chồng là thường dân có gốc TQ nên bình tĩnh như kg có gì trọng đại xảy ra! Lòng tôi như lửa đốt, trường học đóng cửa, bệnh viện lớn dời về truòng Đức Thắng. Hai bên đại lộ THĐ ngỗn ngang các loại chiến xa, xe tăng, thiết giáp cùng vô số các loại xe hơi tư nhân và xe gắn máy vứt đầy hai bên đường. Họ buông xuôi không còn sức lực để đi tiếp chặng đuòng hay sao? Tôi nào biết được! Chỉ thấy trước mắt là một bãi chiến trường. Một chiến trường không tiếng súng! Một chiến trường không tốn viên đạn nào, mà dường như muôn ngàn vạn vết thương xuyên vào hằng triệu trái tim đang tuôn tràn máu đỏ.
Đêm đầu tháng Tư... Phan Thiết như trong chảo lửa nóng rang! Không khí oi bức, nực nội của những ngày đầu hạ càng tăng lên gấp trăm ngàn lần hơn khi ngôi chợ lớn bốc cháy vào đêm 3/4 . Tôi kg thể nào diễn tả được cái cảnh Chợ PT cháy cho đúng với thực tế. Người dân Phan Thiết khóc than vì sản nghiệp tiêu tan trong ngọn lửa ... hoà cùng hàng triệu tiếng khóc không thành tiếng của những gia đình tan tác mỗi người một phương trên con đường lưu lạc. Sao mà con người khổ đến thế này!
Sáng sớm hôm sau, Thành phố như một tổ kiến đang bị chọc phá nếu hình dung từ trên cao. Đàn kiến đông nghịt kinh khủng kia đang chậm chạp tiến về phía Nam và số còn lại trong thành phố thì cứ lăng xăng hốt hoảng chạy tới lui quanh cái chợ cháy đen còn bốc khói ... Mỗi con người trong thời khắc đó, có còn nhận ra chính mình không, hay chỉ là những con người, như một con người máy? Còn tôi, tôi bổng già đi hàng vài chục tuổi. Tôi nhìn thấy nỗi buồn trên từng gương mặt người di tản và tôi buồn như họ nên già đi là chắc chắn thôi! Tâm hồn tôi bỗng dưng già đi rất nhiều ...!
Cồn Chà Phan Thiết tháng 4 năm 1975
" Lìa xa Thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về
Lòng khách ly hương vương sầu thương
Nhìn em mờ trong mây khói
Bước đi nhưng chưa nở rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng ... biệt ly ..."
( Giấc mơ hồi hương )
Tôi, trong đêm giữa tháng tư. Xuống tàu lìa xa thành phố tôi đã sống trọn thời hoa mộng cho đến lúc này, với hai tay hai đứa con còn chập chửng! Tôi ra đi không có sương khói tiễn đưa, không có gió heo may gợi buồn ... Mà sao cõi lòng nghe tan nát ... Tôi bước xuống thuyền với đôi chân ngập ngừng lo sợ sẽ rơi tòm xuống biển. Tôi ra đi trong tiếng ồn ào huyên náo căng thẳng bên tai của những người như tôi. Họ đang réo gọi người thân nhanh chóng xuống tàu. Những đứa trẻ la khóc vì cảnh đông đảo chật chội và lạ lẫm vây quanh. Hai con tôi cứ nhìn mặt mẹ như muốn hỏi ... Tôi biết con mình đang hoang mang nhưng lòng tôi cũng chẳng khác gì chúng, lo âu , buồn bã ngập tràn ... tôi làm sao thốt nỗi thành lời! Chồng tôi đưa xuống tàu và hẹn sẽ vào sau. Tôi hoàn toàn kg biết cuộc chia ly này có ngày gặp lại hay không! Nghe như có giải pháp trái độn, da beo gì đó chia cắt miền Trung với SG từ Long Khánh trở ra . Lúc này chiến sự bắt đầu căng thẳng vì Phan Rang cho tới Long Khánh được xem là lá chắn của SG. Tôi nghe như có lệnh binh lính phải tử thủ để bảo vệ vùng lá chắn này. Phan Rang đang rung chuyển bởi đạn pháo ... Phan Thiết người dân ùn ùn ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân yêu, gần gũi nhất . Ngồi nhìn ra mũi tàu, trước mắt tôi là biển sâu thăm thẳm tối om. Trên trời vầng trăng bạc không còn lung linh sáng tỏ mà như nhoè đi nỗi u buồn. Ánh trăng yếu ớt soi xuống biển, soi đoàn thuyền đang dong ruỗi về Nam
Di tản từ Phan Thiết vô Vũng Tàu 4/75
Lúc này tôi mới biết thế nào là say sóng! Hai đứa con tôi nằm gối trên tay mẹ. Tôi và hai đứa trẻ nằm vùi với cái bụng trống không! Tôi say sóng người như sắp chết không ngồi dậy nổi. Con tôi bị sóng nhồi cứ ngóc đầu lên là ói, cháo sữa cứ thế thốc ra. Tôi cũng không khác gì chúng, bụng trống ói đến mật vàng! Ba mẹ con áo quần dính đầy thức ăn, mặt mũi tóc tai bơ phờ như ma đói. May trên tàu có cô em họ của chồng kg bị say sóng, đi tới đi lui lấy cháo, sữa cho hai đứa nhỏ, chúng cứ nằm yên mà há miệng thì khá ổn. Tôi thà đói còn hơn phải ngóc đầu dậy! Tôi như đi vào cõi mộng du, không biết tàu đi bao lâu mới cặp bến Vũng Tàu. Tôi như quên ngày quên tháng. Không gian trước mắt mà cứ tưởng trong giấc mơ nào xa xôi. Rồi tiếng loa phóng thanh kéo tôi trở về thực tại. Các đoàn thiện nguyện, các Soeur kêu gọi đến nhận sữa, thức ăn nước uống và chăm sóc y tế. Cái nắng kinh hồn tháng Tư như muốn thiêu đốt tất cả những con người, những thân phận tội nghiệp. Những lều bạt được căng ra trên bãi đất trống gần bến tàu để mọi người trú tạm. Hàng đoàn tầu liên tiếp cập bến, hàng hàng lớp lớp người từ bến tàu túa lên không biết bao nhiêu mà kể! Chỉ thấy những gương mặt héo úa với đôi mắt thảng thốt, trên tay trên vai là những đứa trẻ, những túi hành trang nhỏ bé ... Trôi về đâu những thân phận này. Ai nào biết được! Xế chiều, tôi theo mọi người đi chung chuyến tàu, lên một chiếc xe tải về Biên Hoà nghỉ lại đêm để sáng mai đón xe về SG. Chẳng may khi xe đang chạy, con tôi lên cơn sốt cao co giật làm kinh. Chỉ biết chườm nước lạnh giảm nhiệt chờ tới BH. Trong chiều muộn nhá nhem bồng con tất tả hỏi nhà Bác sĩ, lòng tôi đầy lo âu cho tính mạng con mình. Người bác sĩ là một phụ nữ trung niên, gương mặt có nét đẹp phúc hậu. Nhìn tôi với ánh mắt hiền từ, Bà dịu dàng vừa khám bệnh vừa hỏi "Em ở đâu mà tay dắt tay bồng khám bệnh giờ này". Nghe bà hỏi tự nhiên tất cả nỗi tủi buồn trong tôi cứ theo nước mắt lăn dài trên má, rơi xuống tóc đứa con thơ chưa tròn tuổi. Nghe tôi kể vị bác sĩ tìm lời an ủi và cho biết cháu sốt cao vì bị cảm nắng, gió biển khơi thôi, uống thuốc sẽ khỏi! Tôi cám ơn và gởi tiền khám nhưng bà nhất định không lấy, còn đưa một gói thuốc dặn dò, trấn an tôi. Tôi kg quên ánh mắt thương cảm khi bà nhìn mẹ con tôi. Mãi mãi kg quên !
Về đến SG, tôi gặp lại Ba Mẹ và các em. Đây là niềm vui, niềm an ủi lớn lao và duy nhất trong tháng Tư này của tôi! Trong khi đó em kế tôi đang trông ngóng tin chồng, là SQHQ đang công tác đưa người di tản từ Miền Trung vào SG bằng tàu thuỷ. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày lo âu khắc khoãi của em gái tôi và cả đại gia đình. Để rồi ngày 30/4 em tôi đón chồng trở về chỉ trong một ngày ngắn ngũi, và phải xa chồng trong suốt sáu năm. Đứa con đầu lòng ra đời chưa thấy được mặt cha !
Mặc kệ những chủ thuyết ! Mặc kệ những toan tính, những nước đi trên bàn cờ chính trị lúc bấy giờ! Tôi chỉ biết rằng mỗi năm khi tháng Tư về, khi hoa Phượng thắm chưa kịp nở thì có "hằng triệu người vui và cũng có hằng triệu người buồn!" ...
MMT
23 Tháng Tư
No comments:
Post a Comment