Quốc Dũng & Đằng-Giao/Người Việt
Là một phụ nữ cao niên rất năng động trong cộng đồng, qua các đại nhạc hội Cảm Ơn Anh, và là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH tại quê nhà, sự ra đi của bà ít nhiều để lại nuối tiếc và thương nhớ đối với nhiều người ở vùng Little Saigon.
Bà Nguyễn Kim Ân, cư dân Westminster, nói: “Tôi rất buồn trước sự ra đi của bà. Đây là một mất mát lớn của những người Việt còn yêu Việt Nam Cộng Hòa. Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi và bạn bè tôi ủng hộ đại nhạc hội Cám Ơn Anh. Bây giờ vắng bà, không biết có ai tiếp tục được những dang dở của bà. Đám tang bà chắc sẽ to lắm.”
Nhạc sĩ Nam Lộc, người luôn làm MC trong các kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh, nói: “Tôi đi xa suốt năm ngày qua, đến khi về tối hôm Thứ Hai, 17 Tháng Tư, thì vừa kịp để được nắm bàn tay ấm cúng của chị. Và cũng thật ngẫu nhiên, gia đình cho phép tôi được đến gần chị trong lúc chị trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 43 phút sáng Thứ Ba, 18 Tháng Tư. Khi đó tôi thốt lên, ‘Hay là chị chờ em về?’”
“Lúc chị chưa trút hơi thở cuối cùng, tôi có hứa là ‘Em hứa với chị em sẽ dồn tất cả mọi nỗ lực để gây quỹ cho chương trình lần này tại San Jose thành công. Em và các bạn, các chiến hữu của chị sẽ cố gắng để làm chương trình đại nhạc hội lần này, mặc dù không có chị, nhưng tất cả chúng em và đồng hương sẽ hồi hướng công đức để chị được mỉm cười nơi chín suối.’ Và tôi mất đi người chị mà tôi cho là vĩ đại nhất trên cuộc đời này,” ông nghẹn ngào nói.
Tình cảm ông dành cho bà Hạnh Nhơn sâu đậm như vậy, nhưng ít ai biết rằng, “Tôi chỉ được nghe đến tên chị vì tôi có làm việc với Hội H.O. lúc ông Nguyễn Hậu làm chủ tịch. Đến khi ông qua đời thì chị lên thay thế.”
“Lúc đó chị cũng đi quyên góp từng đồng từng cắc cho thương phế binh, mỗi năm kiếm được vài chục ngàn. Chị nói, nếu có sự tiếp tay của tôi thì có thể chương trình thu được nhiều hơn. Khi gặp chị tôi cũng ngại lắm, bởi vì tôi cứ đứng ra gây quỹ hoài thì không nên. Thế nhưng khi tiếp xúc với chị, lúc đó chị cũng 80 tuổi rồi, chính vẻ hiền lành và nhân hậu của chị đã thuyết phục tôi,” ông kể tiếp.
Ông cho hay: “Sau đó tôi quyết định tiếp tay với chị trong các chương trình đại nhạc hội. Thú thật, không phải mình tôi mà hầu như ai nhìn thấy hình ảnh nhân hậu của chị thu hút. Thêm vào đó, chị còn là một người luôn khiêm nhường, tránh mọi sự đụng chạm và tha thứ cho bất cứ ai nếu lỡ làm gì sai. Chị làm cho tôi cảm thấy như một người chị ruột thịt của mình vậy.”
Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, khóc nấc khi nói về bà: “Cách đây hai tuần, hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Tư, SBTN có làm một chương trình ‘SBTN Tâm Tình Với Khán Giả.’ Cô cũng đến giúp trả lời điện thoại, lên chia sẻ tâm sự. Tình cảm của cô dành cho Trúc Hồ giống như cô cháu ruột thịt vậy đó. Mới đây một, hai tháng cô còn bàn để lo chương trình đại nhạc hội Cám Ơn Anh ở San Jose lần thứ 11, vậy mà giờ đây cô đã bỏ tôi đi xa.”
“Mỗi lần gặp cô thì chuyện gì tôi cũng thấy bình an. Cô có một phong cách rất từ tốn, không bao giờ lớn tiếng, không bao giờ phải gấp rút hết, nhưng việc gì cô cũng xong. Sự ra đi của cô là một mất mát lớn không chỉ cho gia đình cô mà cho tất cả mọi người Việt Nam còn ưu tư về những thương phế binh trong nước. Cô là một người suốt đời dành thời gian của mình để giúp cho những người cần được giúp. Đây là một mất mát lớn cho tất cả mọi người trong và ngoài nước,” ông nói.
Ông nhấn mạnh: “Cô Hạnh Nhơn là một tấm gương trong sáng cho nhiều thế hệ. Nếu sau này có sách lịch sử viết về lịch sử của những người tị nạn chúng ta thì chắc chắn phải nhắc lại những đóng góp rất quan trọng của cô. Cô là một trong những viên ngọc quý trong cộng đồng người Việt Nam mình.”
Ông tâm sự: “Trước đó tôi chưa biết gì về cô, chỉ biết qua anh Nam Lộc giới thiệu. Vậy mà khi gặp cô, nghe cô nói chuyện, tôi tin tưởng ngay. Cô có một phong cách mà khi nói chuyện, tiếp xúc mình cảm thấy bình an lắm. Cô là một người tốt, một người sống vì mọi người. Do đó tôi tin tưởng hết vào cô và sẵn sàng làm việc với cô trong suốt 10 năm qua mà không có sự nghi ngờ gì hết.”
“Mặc dù tuổi đã lớn nhưng suốt thời gian qua cô vẫn miệt mài làm việc và trong sáng trong công việc, bởi vì công việc của cô rất ư là khó, mỗi năm gây quỹ cô phải giữ tiền và phải gửi về giúp thương phế binh VNCH ở Việt Nam. Chuyện này đòi hỏi một người phải có tánh tình rất ư là tốt. Và suốt thời gian đó, mọi người đều thấy được sự trong sạch của cô trong vấn đề gửi tiền về cho các thương phế binh. Đó là một tấm gương trong sáng cho nhiều thế hệ cần phải học hỏi,” ông nói.
Nhà văn Huy Phương, người có thời gian làm việc dài lâu với bà, nhận xét: “Chị Hạnh Nhơn ra đi là một mất mát lớn cho anh em thương phế binh VNCH ở quê nhà và cho cộng động người Việt ở hải ngoại. Từ một tổ chức ban đầu với năm bảy anh em đến Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị, mỗi năm chỉ gom góp được một vài ngàn đồng, chị đã đưa Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH đi những bước dài có uy tín với đồng bào ở hải ngoại và thiết thực giúp đỡ cho anh em thương binh ở quê nhà, với con số lên hơn một triệu đồng mỗi năm.”
“Ở chị Hạnh Nhơn, tôi tìm thấy khẩu hiệu ‘sẵn sàng’ của tinh thần hướng đạo sinh, thời gian ứng trực 24 tiếng của một người lính và tấm lòng nhân hậu, tận tuỵ, vị tha của một người mẹ Việt Nam. Hội H.O. khởi sắc, lớn mạnh như ngày hôm nay, một phần là nhờ tính đạo đức, và đồng bào có thể gửi gắm lòng tin qua chị. Chị ra đi là một sự mất mát khó đền bù nổi. Mong chị thanh thản ra đi,” ông chia sẻ.
Gắn bó với chương trình đại nhạc hội Cám Ơn Anh ngay từ những ngày đầu tiên nhưng ca sĩ Nguyên Khang thố lộ: “Thật sự từ xưa đến giờ tôi hát cho đại nhạc hội rất nhiều lần nhưng hầu như không có cơ hội tiếp xúc với cô, bởi vì cô là người ít nói và tôi thì hát xong lại đi liền. Gần đây nhất là hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Tư vừa qua, tôi gặp cô tại đài SBTN và tôi đến chào cô, cảm ơn những việc cô làm. Khi đó cô cũng cảm ơn các ca sĩ cùng đồng lòng với cô để giúp cho những người thương phế binh VNCH ở Việt Nam kém may mắn hơn mình.”
“Trước đây anh Trúc Hồ kêu gọi tham gia chương trình này thì tôi thấy đây là công việc làm có ý nghĩa nên tôi nhận lời, muốn góp một bàn tay. Nhưng sau đó thì tôi biết cô là người có ý tưởng này và cô làm trước khi Asia và SBTN nhảy vô giúp cô. Tôi nghĩ, cô là người phải có một uy tín nào lớn lắm nên mới được sự tín nhiệm của anh Trúc Hồ và SBTN. Và quả thật, chương trình đại nhạc hội của cô được cả cộng đồng hải ngoại đến giúp, thì cô phải là người rất tốt, có uy tín và rất thật thà,” anh nói.
“Sáng nay tôi xem Facebook thì bị sốc vì sự ra đi của cô, bởi vì tôi mới gặp cô đây thì thấy cô khỏe mạnh lắm, rất lạc quan,” anh nói thêm.
Có thể nói, người sát cánh bên bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn suốt thời gian qua trong mọi công việc không ai khác hơn là cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ức, hội phó ngoại vụ Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH.
Ông nói: “Cách đây khoảng hơn hai tuần chị bị bệnh, nằm ở nhà nghỉ. Hôm Thứ Hai, 3 Tháng Tư, chúng tôi tới nhà chị làm việc thì gia đình nói là chị bệnh không thể làm được. Đến Thứ Năm tôi có đến thăm chị thì thấy chị bệnh, nói chuyện khá đau đớn. Cuối tuần đó thì gia đình nói mặt chị vàng lên, vào bệnh viện thì phát hiện chị bị sạn trong mật, phải mổ.”
“Sau khi mổ lấy sạn ra thì chị cũng bình thường. Tôi vô bệnh viện thăm thì chị dặn dò anh em người làm việc này, người làm việc kia. Vậy mà chưa đầy một tuần sau thì chị phải thở ống, bác sĩ nói tình trạng của chị chỉ có xấu chứ không tốt hơn. Kể từ hôm đó chị không nói chuyện được,” ông buồn bã nói.
Ông tâm sự: “Với một tuổi đời cao như vậy nhưng chị vẫn lo cho anh em thương phế binh VNCH ở quê nhà. Chị là người mà anh em chúng tôi luôn coi như người chị cả trong gia đình. Chị rất hòa nhã với anh em, rất thông cảm khi mọi người gặp khó khăn, và không bao giờ giận dỗi anh em. Chính vì vậy mà anh em chúng tôi luôn luôn sát cánh để cùng chị làm những việc có lợi cho tất cả anh em thương phế binh. Sự ra đi của chị là một mất mát lớn lao không những riêng cho anh em trong gia đình Hội H.O., cho anh em thương phế binh VNCH và cho hầu hết anh em chúng tôi trong QLVNCH.”
“Suốt đời chị chỉ nghĩ tới tha nhân, anh em, bạn bè, chiến hữu của mình nên chị làm không ngừng nghỉ. Nói đúng ra, tôi nghĩ không một người nào trong cộng đồng này có thể làm việc hiệu quả cho thương phế binh VNCH như chị. Chị luôn trực 24/24 giờ, bảy ngày trong tuần, và 365 ngày trong năm từ mười mấy năm nay chỉ để nghe điện thoại của ân nhân, của thương phế binh hay của bất cứ ai hỏi về cách giúp đỡ thương phế binh,” ông nói.
“Đó là một việc làm mà tôi nghĩ chưa có một cá nhân nào trong cộng đồng có thể làm được như chị. Ngay cả bây giờ anh em chúng tôi còn ở lại chưa chắc anh em nào dám nhận trách nhiệm làm như chị làm. Bởi vì một người làm việc hy sinh tới mức như vậy, thì ngay cả cá nhân bản thân tôi, tôi cũng không hy sinh tới mức đó được, bởi vì tấm lòng của chị quá cao cả,” giọng ông chùng xuống.
Ông Nguyễn Văn Sáng, 63 tuổi, thương phế binh bị cụt hai chân hiện sống tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn, nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tôi vô cùng đau xót khi nghe tin cô Hạnh Nhơn ra đi về nơi đất Phật, cô là cây đại thụ trong chương trình giúp đỡ cho thương phế binh và cô nhi quả phụ. Sự ra đi của cô để lại niềm luyến tiếc, nhớ nhung cho các anh em chiến sĩ VNCH nói chung. Tôi xin chia buồn cùng gia đình và các anh chị trong Hội H.O. niềm tiếc thương vô bờ bến!”
Ông cho hay, thời gian đi lính của ông rất ngắn, chỉ sáu tháng, từ Tháng Mười, 1973, đến Tháng Ba, 1974, thì bị thương ở Đà Nẵng trong một cuộc hành quân, khi vô mục tiêu thì bị đạp mìn.
“Hơn 10 năm qua tôi được nhận tiền từ Hội H.O. của cô Hạnh Nhơn, giúp ích rất nhiều trong cuộc sống khốn khó của mình. Hằng ngày tôi đi bán vé số để sinh sống qua ngày, giờ thì lớn tuổi nên huyết áp tuột, lại bị bệnh viêm xoang, nên mấy đứa em khuyên tôi nên ở nhà, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, vì sợ tôi chết bất tử ngoài đường,” ông cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thiên Lý, cư dân Garden Grove, cho hay: “Sáng sớm tôi vào Người Việt Online thì thấy hình bà Hạnh Nhơn giơ tay chào, đọc tựa đề bài báo thì biết bà vừa qua đời. Tôi bàng hoàng.”
“Nhìn hình bà, tôi tự nói với bà rằng, bà có một tâm hồn cao đẹp, một tấm lòng đầy nhân ái, một cuộc sống đầy những điều cao thượng và đáng quý, cùng một tấm lòng hy sinh vì tha nhân. Nói tóm lại, cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn là một người có tấm lòng vàng, có tâm hồn rộng mở, có tâm nhân ái, có sự hy sinh, có tài lãnh đạo, có khả năng tổ chức. Tôi hết sức kính phục, nể trọng bà,” bà chia sẻ.
Bà nói: “Tôi chưa bao giờ được hân hạnh gặp bà. Ngày bà nhập ngũ năm 1950 thì lúc đó tôi mới bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. Cho đến khi đại nhạc hội Cám Ơn Anh diễn ra hằng năm, tôi vẫn chỉ đến xem thôi chứ chưa bao giờ có ý định gặp bà. Dẫu biết rằng ai cũng sẽ đi qua con đường đó, nhưng tôi rưng rưng vì con người của bà cao đẹp, phi thường và vĩ đại đến như thế.”
Ông Lê Hiếu Nghĩa, cư dân Placentia, chia sẻ: “Sự ra đi của chị là một sự mất mát lớn lao cho cộng đồng chúng ta. Nếu chúng ta muốn tặng hoa cho chị chắc nhà quàn không đủ chỗ, do đó kính đề nghị xin miễn vòng hoa và phân ưu thiết thực nhất với chị là, thay vì tặng chị một vòng hoa, chúng ta hãy góp lời cầu nguyện và số tiền mua hoa hay phân ưu xin gởi về Hội H.O. nhằm giúp cho vài gia đình thương phế binh VNCH như tâm nguyện của chị trong bao năm qua khi chị đã phục vụ đến hơi thở cuối cùng.”
Có người không muốn nói lời từ biệt với bà.
Nhà báo Vũ Chung, xướng ngôn viên đài Saigon TV và Việt News Radio, nói: “Tôi không muốn nói lời từ biệt bà, bởi vì từ biệt ai nghĩa là người đó sẽ đi vào quên lãng. Mà bà Hạnh Nhơn không phải là người dễ bị quên lãng. Bà sẽ còn mãi trong lòng chúng ta.”
Ông thêm: “Bà là người can đảm trong mọi việc cần làm và có đầy lòng trắc ẩn đối với những người cần sự giúp đỡ của bà. Với cuộc đời mình, bà đã thay đổi bao nhiêu cuộc đời anh em thương binh ở trong và ngoài nước.”
Có người nghĩ đã đến lúc để bà nghỉ ngơi vì bà đã phục vụ quá nhiều rồi.
Ông Từ Duy Hạnh, cư dân Garden Grove, nói: “Thôi, bà đã bỏ ra bao nhiêu năm trời để giúp đời rồi. Đã đến lúc bà được nghỉ ngơi. Đúng là người có lòng với nước bà chọn đúng Tháng Tư Đen để mà đi. Mong bà sớm tìm được sự an nghỉ ở chốn xa xôi. Tôi dám nói chắc rằng những công sức mà bà để lại sau lưng vẫn sẽ tiếp tục được người ta ghi nhớ.”
Bà Lê Bạch Yến, cư dân Fountain Valley, nói: “Hôm nay là một ngày buồn. Sáng nay, nhìn thấy hình bà trên báo Người Việt Online, tôi rụng rời tay chân, mắt tôi hoa lên. Biết bà không còn trẻ, nhưng hay tin bà ra đi, tôi thấy đột ngột quá. Vợ chồng tôi rất trọng bà vì chồng tôi có nhiều lính được bà giúp đỡ. Sáng nay hay tin, ông ấy lẳng lặng bỏ ra xe rồi lái đi, không nói với tôi tiếng nào. Như vậy là ông ấy buồn lắm.”
Bà thêm: “Thương ghê! Khuôn mặt bà vừa phúc hậu, vừa nghiêm nghị. Đây là một tin buồn cho cộng đồng mình.”
Bà Nguyễn Mộng Lan, cư dân Los Angeles, nói: “Buồn quá. Nhiều năm nay, năm nào chị ấy cũng tổ chức gây quỹ giúp anh em thương binh trong nước. Bây giờ chị mất thì chắc sẽ phải có người tiếp nối, nhưng rất khó mà hữu hiệu được như chị.”
Ông Nguyễn Phước Hiền, cư dân Westminster, nói: “Tôi rất buồn trước mất mát này. Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn là người có tài và có lòng nhân hậu. Nếu không bị ‘đứt phim’ năm 1975 thì chuyện bà lên hàng tướng là chuyện bình thường.”
Nhiều người ghi nhận sự ra đi của bà đúng trong lúc cộng đồng đang chuẩn bị làm lễ tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư.
Ông Larry Nguyễn, cư dân Westminster, nói: “Thử hỏi có ông tướng nào qua đây làm được như bà. Từ nay, khi nói tới Tháng Tư Đen, chúng ta sẽ nghĩ tới bà. Tôi rất nể bà. Là đàn bà mà bà đã là trung tá, thử hỏi nếu là đàn ông thì bà đã làm tới chức vụ gì.”
No comments:
Post a Comment