Ám ảnh tâm thần!
Không biết có chữ nào hay hơn, đúng hơn để nói về việc mới đây giới chức đầu nậu văn hoá VN ra lệnh cấm hát năm bài nhạc vàng trước 1975. Trong số đó có hai bài, bình dân ai cũng thích, cũng hát, cũng thuộc lời, ít ra năm bảy câu.
-"Con đường xưa em đi" của Châu Kỳ-Hồ Đình Phương.
- "Cánh thiệp đầu Xuân" của Minh Kỳ.
Lý do phán xét là loanh quanh thắc mắc về đôi ba chữ trong lời ca. Chuyện không tin mà có thật. Thật như việc hàng chục năm nay thường có trên đất nước.
"Con đường xưa em đi". Hôm nay đang ì ạch bị kéo lê trên con đường chủ nghĩa xã hội xa tắp mù khơi, con đường không bao giờ tới, mà nhớ con đường xưa bóng mát hạnh phúc của văn minh, văn hoá, của tự do dân chủ!
"...hỏi đường xưa mà nhớ, con đường xưa em đi...". Không thể được!
Lại thêm. "...những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về, chiến trường anh bước đi...". Chiến trường nào? Hạ Lào, Quảng trị...oai hùng của VNCH hay Thành nội cố đô Mậu thân Huế của CS?
Không nhịn được, bật cười lớn, bởi lý do hết sức lố bịch khi cấm bài "Cánh thiệp đầu Xuân".
"...tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn. Non nước quang vinh trong tia nắng thanh bình, để người anh lính chiến quay về với gia đình...".
Bài này từ lâu lọt lưới kiểm duyệt vì đã đổi "anh lính chiến" thành "anh yêu dấu". Lính chiến thì chắc chắn là người lính VNCH đang càng ngày càng được nhắc đến, không thể là...nón cối, tai bèo.
Chưa hết. Câu này mới là.
phản động. "...mong ước ngày sau như là ngày trước. Tay trong tay nhớ lúc trao thiệp đầu Xuân!"
Mong như là ngày trước! Oái ăm thay, nay là một nguyện cầu cho đất nước, sau bao chục năm chiến tranh xương máu vô ích, 40 năm trời ơi đất hởi xây dựng định hướng hay lạc hướng xã hội chủ nghĩa.
"Sự nghiệp cách mạng vĩ đại " (!) oan nghiệt, rốt cuộc nay cũng chỉ là cố gắng quay trở về điểm xuất phát cho được như Miền Nam thời xưa.
Trở lại. " Ly rượu mừng" của Phạm Đình Chương bị chính quyền cấm trên 40 năm. Tết đến Xuân về, hang cùng ngõ hẻm, trong
nhà ngoài phố, thôn quê thị thành cho đến cao nguyên đất đỏ, rộn ràng lời ca tiếng nhạc bài mừng xuân đó. Cấm vì câu "...chúc người chiến sĩ lên đàng". Lại dị ứng, chiến sĩ nào? Sau khi hàm hồ tự biên là nhạc phẩm này được sáng tác trước 1954 (?) thì nhất định chiến sĩ đây là chú bộ đội. Cho hát!
Sự bất hạnh của dân tộc không chỉ ở cuộc chiến tranh tàn khốc đến nay đã rõ là mù quáng không cần thiết, mà kẻ xâm lược từ miền Bắc tự cho là thắng cuộc lại không có đủ bản lãnh tự tin và bản thiện để nối kết dân tộc, đào sâu chia rẽ hận thù đố kỵ, chưa biết đến bao giờ mới nguôi.
40 năm đã trôi qua mà ám ảnh của một Miền Nam trù phú tự do và tính nhân bản của người chiến sĩ VNCH là một thực tế không thể che đậy, càng lúc càng đè nặng trên suy tư của những người CSVN. Đất nước hôm nay là nỗi đau mà nhân dân đã có đủ thời gian và chứng cớ hiện thực và lịch sử để so sánh với thực thể ngày trước. Đi trên con đường ngày nay mà luyến tiếc con đường ngày xưa là một hiển nhiên. Khi bất mãn, không bằng lòng với hiện tại thì thường nhớ về quá khứ.
Chính quyền bất an. Mất đi niềm tự tin và kiêu hãnh kéo dài nhiều năm sau thắng cuộc.
Những bản nhạc vàng đã đi vào lòng người trong Nam thì đã đành, mà miền Bắc lại càng ưa chuộng hơn. Nhạc vàng, nhạc điệu và lời ca không chỉ là những sáng tác rất thật, rất gần, rất tình người mà còn phản ảnh rõ sự gắn bó thương yêu của quê hương xóm làng, của người tình, người mẹ và lòng biết ơn đối với người lính VNCH. Và sau hết, đó
là hoa quả của một nền văn hoá và nghệ thuật tự do.
Đây là lý do cho việc đã, đang và sẽ cấm các ca khúc nhạc vàng trước 75, mà mới nhất là 5 nhạc phẩm đang được quần chúng ưa chuộng. Đã qua rồi thời bưng bít và sợ hãi. Thách thức. Càng cấm, càng nghe, càng hát nhiều. Thích thú như ăn trái cấm.
Sự cấm đoán đã có phản tác dụng tuyên truyền. Và rõ một điều : ám ảnh tâm thần.
Ninh Hạ
No comments:
Post a Comment